Đà Nẵng: Vì sao 388 công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc?
Trong 6 tháng đầu năm, tại thành phố Đà Nẵng có tới 388 cán bộ công chức, viên chức xin thôi việc. Trong đó, riêng ngành y tế có 127 nhân viên y tế nghỉ việc.
Sáng 14/7, tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X (2021 – 2026), trả lời vấn đề nhiều đại biểu hội đồng nhân dân quan tâm đó là tình trạng cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc có xu hướng tăng, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng thừa nhận vấn đề này.
Theo ông Đồng, vấn đề cán bộ công chức, viên chức xin thôi việc năm nào cũng có, nhưng gần đây có xu hướng tăng.
Đơn cử như trong ngành y tế, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có 322 người nghỉ việc.
Thống kê trên toàn thành phố, 6 tháng đầu năm 2022, có 388 người xin thôi việc. Gồm 22 công chức, 366 viên chức. Trong đó, nhiều nhất là 2 ngành giáo dục – đào tạo và y tế.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, có nhiều lý do khiến công chức, viên chức nghỉ việc. Trong đó, đầu tiên là thu nhập, lương, chế độ phụ cấp cho công chức viên chức chưa đảm bảo được đời sống của gia đình, trong khi chính sách thu hút bên ngoài (khối tư nhân) rất linh hoạt, lương cao. “Lương công chức khoảng 4 – 5 triệu/tháng. Nếu phải thuê nhà 2 triệu thì mất một nửa rồi”, ông Đồng viện dẫn.
Bên cạnh đó, áp lực công việc cũng là một lý do của tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc. "Trong ban cán sự, cũng như ủy ban, các sở ngành có nhiều nội dung, văn bản pháp luật không rõ ràng. Cán bộ phải trao đổi qua lại, có khi cả buổi làm chưa ra, như việc phân cấp đầu tư cũng đã tốn rất nhiều thời gian. Do vậy, nhiều công chức cho rằng đã làm thì tất nhiên có sai. Nhưng khi thanh tra, kiểm toán điều tra vào thì tất nhiên là bắt hết những cái lỗi đó và phải xử lý. Nhiều thì xử lý hình sự, ít thì xử lý hành chính. Cho nên, nhiều người cho rằng thôi xin ra ngoài nhưng thấy an toàn hơn", Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng nói.
Ngoài ra, cách điều hành quản lý của lãnh đạo chưa tạo được động lực cho công chức, viên chức cũng là một lý do của tình trạng trên.
Riêng đối với ngành Y tế, do công việc của ngành có nhiều tính đặc thù, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid – 19 kéo dài, điều kiện sinh hoạt và thời gian nghỉ ngơi hồi phục để đảm bảo sức khỏe phục vụ lâu dài không thực sự đảm bảo; tiền lương và phụ cấp không đủ sắp xếp ổn định gia đình để tập trung tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch lâu dài.
Về giải pháp khắc phục tình trạng này, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng đề xuất cần có cơ chế, chính sách trọng dụng người có năng lực (ban hành chế độ đãi ngộ đi kèm).
Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng đề án nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức nhưng đến nay các cơ quan Trung ương chưa đồng ý.
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần có sự quan tâm, khuyến khích tạo môi trường, tạo động lực làm việc đối với công chức, viên chức và người lao động; bố trí và sắp xếp công việc phù hợp để giữ chân công chức, viên chức; phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị trong cơ quan, đơn vị gặp gỡ, trao đổi, vận động giải quyết các nhu cầu chính đáng của công chức viên chức để yên tâm công tác.
Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng – ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết tình trạng công chức viên chức nghỉ việc đang có xu hướng tăng trong cả nước, không chỉ ở khối chính quyền mà cả khối đảng đoàn thể. Đây là vấn đề cần phải xem xét nhìn nhận nghiêm túc để có giải pháp tạo môi trường thuận lợi, thu nhập ổn định cho công chức, viên chức yên tâm làm việc.
Vũ Lê