Đà Nẵng: Vì sao chỉ số tiêu thụ, doanh thu bán lẻ hàng hóa sụt giảm?
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng 8/2023 của Đà Nẵng giảm 2,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa cũng ghi nhận giảm.
Nhiều mặt hàng không thiết yếu bị cắt giảm
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, tình hình lạm phát tăng cao và kéo dài ở nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều mặt hàng không thiết yếu bị cắt giảm dẫn tới chỉ số tiêu thụ chung sụt giảm so với cùng kỳ.
Đơn cử, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng 8/2023 của Đà Nẵng tăng 3,4% so với tháng trước và giảm 2,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,6 so với cùng kỳ. “Điều đó minh chứng cho cầu hàng hóa vẫn chưa được khôi phục” – Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho hay.
Chỉ có 9/20 ngành có chỉ số tiêu thụ tăng, một số nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như: ngành Dệt (+54,71%); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+62,56%); sản xuất xe có động cơ (+54,81%).
Trong các nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ giảm, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm sâu, tác động đến chỉ số chung như: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (-49,77%); công nghiệp chế biến, chế tạo khác (-42,70%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (-36,28%); sản xuất đồ uống (-17,25%).
Cục Thống kê TP Đà Nẵng cũng cho biết, chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm cuối tháng 8/2023 của địa phương tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 27,06% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số ngành có mức tồn kho tăng rất cao so với cùng kỳ do sản phẩm tiêu thụ chậm như: sản xuất chế biến thực phẩm (+166,2%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (+131,7%); ngành Dệt (+67,3%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (+70,8%); sản xuất trang phục (+133,2%); sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu (+86,8%)...
Một số ngành có mức tồn kho giảm sâu hơn mức tồn kho chung như: sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; sản xuất kim loại; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...
Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tháng 8/2023 của Đà Nẵng tăng 0,04% so với tháng trước nhưng giảm 9,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sử dụng lao động giảm 6,5% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,7%, công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 2,5%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,8%, riêng công nghiệp khai khoáng tăng 20,9% do nhiều doanh nghiệp ngành khai khoảng được cấp phép hoạt động trở lại sau thời gian ngừng hoạt động do chưa đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
“Tuy nhiên, mức tăng trên chỉ góp phần khá nhỏ vào chỉ số lao động bình quân chung toàn ngành công nghiệp trên địa bàn do lĩnh vực này số lượng lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh không nhiều”- ông Vũ thông tin.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 10%
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8/2023 của Đà Nẵng ước đạt 5.734 tỷ đồng, giảm 1,0% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ trong tháng 8/2023 của Đà Nẵng ước giảm 0,2%, trong đó các nhóm hàng giảm gồm: phương tiện đi lại khác trừ ô tô (-22,8%); nhiên liệu khác trừ xăng, dầu (-19,8%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (-11,8%); hàng may mặc (-11,4%).
Nguyên nhân sụt giảm của tổng mức bán lẻ trong tháng 8/2023, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, là do quý 3 năm 2022 nói chung và tháng 8/2022 nói riêng được xem như là đỉnh của tăng trưởng năm 2022. Trong khi sức mua năm nay, đặc biệt nhóm phương tiện đi lại và ô tô các loại giảm đáng kể do tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng trong dân phần lớn ưu tiên tập trung vào mua sắm các mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Cùng với đó, từ giữa tháng 8, một số trường học đã khai giảng năm học mới, nhu cầu du lịch có xu hướng giảm so với các tháng đầu kỳ nghỉ hè. Dự ước tháng 8/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Đà Nẵng đạt 2.219 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 29,4% so với tháng cùng kỳ năm 2022.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng
Cũng theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, giá lương thực, giá xăng dầu, giá điện nước sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn TP Đà Nẵng tháng 8/2023 tăng so với tháng trước.
Cụ thể, CPI tháng 8/2023 tăng 0,63% so tháng trước, tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,49% so với tháng 12/2022. CPI bình quân 8 tháng năm 2023 tăng 5,97% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Trong mức tăng 0,63% của chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng có mức giá ổn định.
Các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, bao gồm: giao thông (+4,80%); đồ uống và thuốc lá (+1,57%); nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+0,47%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,12%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,09%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,07%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,06%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,03%); giáo dục (+0,03%).
Những nguyên nhân chủ yếu làm CPI nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá so với tháng trước là: một số loại gạo tẻ có giá tăng do thị trường xuất khẩu gạo làm cho thị trường gạo tăng ở mức 4,59%, chỉ số giá lương thực tăng 3,77%. Trong tháng, giá xăng dầu được điều chỉnh vào các ngày 1/8, 11/8, 21/8 làm cho chỉ số giá dầu hỏa tăng 15,99%, nhiên liệu tăng 9,47% theo sự điều chỉnh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
"Giá xăng dầu tăng là một trong các yếu tố chủ yếu làm tăng tốc độ của CPI tháng 8/2023, cũng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá dịch vụ giao thông công cộng"- Cục trưởng Cục Thống kê TP Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhận định.