Đà Nẵng: Xây dựng đô thị thông minh hợp thực tiễn, tiếp cận xu thế
Những thành tựu trong xây dựng và quản lý đô thị thông minh của các quốc gia Tây, Bắc Âu đã được chia sẻ tại một hội thảo nhằm giúp Đà Nẵng thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh phù hợp với thực tiễn.
Sáng 20/5, Hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng” đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố phối hợp với tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán nhiều quốc gia cùng lãnh đạo các Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đô thị thông minh.
Theo Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, phát triển đô thị thông minh trong kỷ nguyên số là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm. Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội thảo này là hoạt động thiết thực nhằm triển khai nghị quyết; giới thiệu các thành tựu trong việc xây dựng và quản lý đô thị thông minh của các quốc gia Tây, Bắc Âu để Đà Nẵng rút kinh nghiệm, áp dụng phù hợp với thực tiễn.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh Đà Nẵng hiện có cơ sở hạ tầng, dịch vụ và trình độ quản lý đáp ứng được các điều kiện để xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời, chính quyền và nhân dân địa phương cũng đang quyết tâm xây dựng thành phố thông minh.
Hội thảo gồm phiên toàn thể và hai phiên chuyên đề. Trong phiên toàn thể, Ban tổ chức đã có những phát biểu, tham luận tổng quan về chính sách phát triển đô thị thông minh của Việt Nam và những hoạch định chính sách của thành phố Đà Nẵng trong việc thúc đẩy quá trình xây dựng thành phố thông minh.
Tại phiên chuyên đề “Hạ tầng Đô thị thông minh,” các diễn giả đã giới thiệu mô hình thực tế, chia sẻ những kinh nghiệm tại các nước châu Âu.
Các tham luận được trình bày gồm Kinh nghiệm, mô hình thực tế Giao thông thông minh tại Áo (Đại sứ Áo tại Việt Nam Hans-Peter Glanzer); Thành phố thông minh: Kinh nghiệm từ Vương quốc Anh (Ông Đỗ Công Nguyên, Cố vấn Tổng lãnh sự quán Vương quốc Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh); Kinh nghiệm, giải pháp cung cấp nước sạch cho đô thị thông minh (Ông Bakhtiyar Sharipov, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nectaris tại Việt Nam).
Chuyên đề cuối là “Quản trị đô thị thông minh” gồm các nội dung Kinh nghiệm thực tế xây dựng đô thị thông minh tại Hà Lan (Tổng lãnh sự Hà Lan tại thành phố Hồ Chí Minh Daniel Coenraad Stork); Kinh nghiệm, giải pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại đô thị thông minh (Đại diện Thương vụ Ireland tại Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Zeus – Doanh nghiệp Ireland); Kinh nghiệm, giải pháp chiếu sáng đô thị thông minh (Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang).
Các bài thảo luận tập trung vào vấn đề quản trị và vận hành đô thị thông minh, ứng dụng các lợi thế công nghệ nhằm đưa ra các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng cũng như các giải pháp để giải quyết những vướng mắt, điểm nghẽn trong công tác phát triển đô thị hiện nay.
Phát biểu bế mạc, Tiến sỹ Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đánh giá cao sự chia sẻ và các đề xuất thẳng thắn, sâu sắc, cởi mở của các diễn giả đối với thành phố.
Lãnh đạo thành phố ghi nhận, tiếp thu và sẽ giao các sở, ngành chủ động nghiên cứu các mô hình, giải pháp đã được chia sẻ tại hội thảo để đưa vào triển khai các chương trình, dự án thành phố thông minh, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tiếp cận xu hướng thế giới.
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố mong muốn Đại sứ quán các quốc gia Tây, Bắc Âu hỗ trợ, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp và các nhà đầu tư đến làm việc, kinh doanh và đầu tư tại thành phố Đà Nẵng; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương kết nối, mở rộng thị trường, đưa các giải pháp công nghệ số của Việt Nam ra thị trường quốc tế./.