Đà Nẵng yêu cầu gì khi dùng cần trục tháp xây dựng công trình?

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình trên địa bàn nghiêm túc thực hiện phương án đảm bảo an toàn vận hành cần trục tháp.

Ngày 5/7, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã có công văn gửi các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình.

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình.

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, hiện nay các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trong giai đoạn thời tiết thuận lợi.

Để tránh các sự cố mất an toàn lao động và tuyệt đối không để xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan, đặc biệt trong giai đoạn thành lập, đưa mô hình chính quyền địa phương hai cấp vào hoạt động, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị các đơn vị thực hiện việc quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình đảm bảo theo quy định pháp luật.

Trong đó, thực hiện việc quản lý máy, thiết bị (máy khoan, máy ép cọc, đóng cọc chuyên dùng có hệ thống tời nâng, máy bơm bê tông, máy vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng; cần trục tháp...) phải yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công công trình.

Riêng đối với việc vận hành cần trục tháp, Sở Xây dựng yêu cầu nghiêm túc thực hiện phương án đảm bảo an toàn.

Theo đó, căn cứ vào đặc tính kỹ thuật của các loại cần trục tháp hiện có, yêu cầu vận hành, đặc điểm của công trường để quyết định loại cần trục tháp phù hợp nhất.

Có giấy xác nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của Sở Nội vụ đối với cần trục tháp được sửdụng; Có giấy chứng nhận hợp quy, giấy chứng nhận kết quả kiểm định theo quy định; Có tài liệu kỹ thuật của thiết bị theo quy định.

Cạnh đó, thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ và kiểm định kỹ thuật an toàn bất thường đối với cần trục tháp theo quy định.

Trường hợp trong quá trình hoạt động cẩu tháp, phạm vi vùng nguy hiểm vật rơi vượt khỏi phạm vi công trường, nằm trên đường giao thông thì không được phép vận hành cần trục tháp trong giờ giao thông đông người (sáng từ 6h - 8h, từ 11h - 14h và từ 16h30 - 18h30).

Khi cần thiết phải hoạt động trong khung giờ nêu trên và trường hợp đặc biệt khác, chủ đầu tư công trình phải báo cáo bằng văn bản đến cơ quan chức năng có liên quan nơi xây dựng công trình để biết, kiểm tra, hỗ trợ phối hợp thực hiện phương án đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng yêu cầu không hoạt động cần trục tháp khi có áp thấp nhiệt đới, bão hoặc gió mạnh ứng với cấp gió từ cấp 5 trở lên.

"Khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông báo bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Đà Nẵng, phải đưa cẩu tháp về trạng thái không hoạt động, đảm bảo toàn bộ cần trục tháp nằm trong rào chắn công trường; thực hiện hạ thấp cần trục tháp xuống bằng chiều cao tự đứng, xuống sát sàn gần nhất, neo giằng cần trục tháp vào công trình đang thi công hoặc vị trí đã được bố trí sẵn; số lượng vị trí neo giằng, vật tư sử dụng để neo giằng phải được tính toán đảm bảo sức chống chịu với gió bão, đảm bảo an toàn cho cần trục tháp", công văn của Sở Xây dựng nêu.

Cũng theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, nếu thời gian ngừng thi công lớn hơn thời gian kiểm định an toàn định kỳ hoặc 12 tháng, phải tháo dỡ cần trục tháp hoặc hạ thấp xuống bằng chiều cao tự đứng và phải đảm bảo toàn bộ cần trục tháp nằm trong rào chắn công trường.

Vĩnh Nhân

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/da-nang-yeu-cau-gi-khi-dung-can-truc-thap-xay-dung-cong-trinh-192250705075307962.htm