Thái Nguyên không để dự án, công trình gián đoạn, chậm trễ
Sau hợp nhất tỉnh Thái Nguyên (mới), trên địa bàn có hàng nghìn dự án, công trình đầu tư công với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Để bảo đảm tiến độ các dự án trên địa bàn, tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo không được để bị gián đoạn, chậm trễ, nhất là các công trình, dự án do cấp huyện trước đây làm chủ đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo không được để dự án, công trình gián đoạn, chậm trễ.
Sau hợp nhất, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh có 3 Ban quản lý dự án chuyên ngành cấp tỉnh, bao gồm: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công nghiệp và dân dụng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình phía bắc tỉnh Thái Nguyên.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên được giao tiếp nhận, quản lý, điều hành toàn bộ các dự án, công trình và 158 cán bộ, viên chức các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các huyện, thành phố thuộc tỉnh Thái Nguyên (cũ). Số lượng dự án, công trình mà cấp huyện trước đây làm chủ đầu tư rất lớn, chỉ tính riêng thành phố Thái Nguyên là khoảng 200 công trình, dự án.
Sau khi tiếp nhận các công trình, dự án và đội ngũ cán bộ, viên chức ban quản lý dự án cấp huyện trước đây, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tổ chức lại thành các Ban Quản lý dự án trực thuộc.
Đồng thời, Ban Quản lý Dự án chỉ đạo những người được giao phụ trách yêu cầu đội ngũ cán bộ tiếp tục bám sát công trường, đôn đốc, chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu thi công công trình, dự án theo tiến độ đã đề ra, chỉ đạo các đơn vị tư vấn giám sát công trình để quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: "Được giao quản lý các dự án, công trình do cấp huyện trước đây làm chủ đầu tư, chúng tôi xác định không để công trình bị gián đoạn, đứt khúc vì nhà thầu và các tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát không thay đổi; chỉ đạo đội ngũ cán bộ phải thường xuyên bám sát công trình từ giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi hoàn thành".
Thực hiện mô hình , các công trình được giao về cấp xã thực hiện chức năng chủ đầu tư để không bị gián đoạn. Đơn cử phường Đức Xuân tiếp nhận và triển khai theo thẩm quyền Dự án xây dựng Sân vận động Bắc Kạn và các hạng mục phụ trợ từ Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Bắc Kạn (cũ), công trình này có quy mô hơn 20ha, 8 nghìn chỗ ngồi, tổng mức đầu tư hơn 250 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026.
Tại cuộc họp với các sở, ngành ngay sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp,đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các chủ đầu tư không được để công trình, dự án, đặc biệt các công trình, dự án trước đây do cấp huyện làm chủ đầu tư bị gián đoạn, chậm trễ, kém chất lượng, đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tiêu thụ vật tư các ngành kinh tế liên quan và giải quyết việc làm cho người lao động.