Đã nghỉ việc vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội
Công ty vẫn đóng BHXH ngay cả khi em đã nghỉ việc. Nay em có phải đóng hoàn lại cho công ty không?
Em nghỉ việc được 1 tháng thì bên công ty gọi, cho biết do lỗi hệ thống, bên công ty đã báo ngừng đóng BHXH cho em nhưng bên bảo hiểm không nhận được, bây giờ em phải đóng 100% BHXH là 1,8 triệu. Trong khi đó trước đây đi làm, em chỉ đóng 400.000 đồng.
Xin hỏi em có buộc phải đóng không?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 tại Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Điều 85. Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Người lao động quy định điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Điều 86. Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:
a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
b) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo quy định của Bộ luật lao động 2019 tại Điều 48. Trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động
1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 18. Truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Khoản 4 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người sử dụng lao động trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:
Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”.
Theo quy định, việc đóng BHXH cho NLĐ là trách nhiệm của doanh nghiệp. Khi người lao động thôi việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Theo thông tin bạn cung cấp, trường hợp của bạn là do lỗi bên hệ thống công ty. Đây là tình huống phát sinh sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động. Bạn có thể phối hợp cùng công ty trong việc nộp bổ sung phần bảo hiểm xã hội của tháng đã nghỉ việc.