Dã nhân trong rừng rậm
Đười ươi, tên la tinh là Pongo, các nước phương Tây gọi là 'orang-outang' là loài linh trưởng lông rậm màu vàng sẫm pha trộn với màu xám, chỉ thích nghi với cuộc sống nhiệt đới trên đảo Bornéo và Sumatra thuộc Indonesia. Chúng thuộc loại gần gũi nhất với con người cả về mặt hình thể lẫn trí tuệ.
Người ta xác định tầm vóc nhưng con đười ươi trưởng thành bằng sải tay của chúng khi giang rộng, thường đạt đến 2 mét. Đười ươi đực đứng thẳng trên hai chân cao 1 mét rưỡi, tay vẫn có thể chạm đất. Tay và chân chúng rất khỏe mạnh với các đốt trên ngón có thể uốn cong vào để cầm nắm, có ý nghĩa rất quan trọng trong cuộc sống của loài linh trưởng, cho phép chúng đeo bám chắc chắn để đánh đu như các diễn viên xiếc vì đến 90% thời gian trong đời chúng sống ở trên cây.
Đười ươi ăn, nghỉ và ngủ trên những chạc cây cổ thụ, lấy những cành cây có lá rộng kết thành ổ để ngủ và trú ẩn dưới những trận mưa rào nhiệt đới. Khi ăn uống, thường chúng không cần xuống mặt đất vì thức ăn của chúng là hoa quả, côn trùng, đọt lá non và nước uống chúng lấy từ những bọng cây quen thuộc.
Đười ươi là những “triết gia” bẩm sinh. Trong khi các loài linh trưởng khác truyền từ cành này sang cành khác vất vả kiếm ăn thì loài dã nhân to lớn và khôn ngoan này ngồi trầm tư một chỗ nào đó, chờ đợi hoa quả hiện ra trước mắt mình một cách kỳ diệu và chỉ việc giơ tay ngắt lấy bỏ vào miệng. Thực ra điều dó chẳng phải phép lạ mà là vì tổ tiên chúng truyền lại kinh nghiệm quan sát thiên nhiên để biết mùa nào thức ấy, đến mùa chuyển nơi ở để có sẵn thức ăn.
Người ta đã làm thí nghiệm và thấy thế này: khi con tinh tinh (chimpanze, còn gọi là khỉ đột) muốn nhét một cái que trong một đống que có kích thước khác nhau vào một cái lỗ, nó lần lượt thử từng que một cho tới khi gặp được một que trùng khít. Đười ười thì khác. Nó quan sát cái lỗ, chăm chú nhìn đống que như để ước lượng và chỉ chọn một lần là tìm ngay ra cái que vừa vặn nhét khít lỗ.
Hầu như cả đời, đười ươi gắn liền với cây cối. Đêm nào chúng cũng vơ cành cây và lá câylàm tổ để ngủ qua đêm với thời gian không đầy 5 phút rồi cuốn quanh mình để ngủ giống như chiếc chăn chùm kín đầu của binh lính khi hành quân.
Khác với tinh tinh (khỉ gorilla và bonobo), đười ươi thường sống đơn lẻ.
Hiếm khi những con đười ươi cái mang theo bầy con, gặp những con đười ươi cái khác lại “chào hỏi” và làm quen, dù trên cùng một cây ăn quả. Những gã đười ươi đực gặp nhau thì lập tức thành thù địch, hò hét om sòm, vang xa đến 2 kilomet cũng nghe rõ. Những con đực khác thấy vậy, chuồn cho nhanh.
Có lần người ta bắt gặp một con đười ươi đực 8 tuổi, sống bám vào mẹ trong suốt bảy năm đầu của cuộc đời mà không chịu sống tự lập, thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ.
Sở dĩ “tuổi thơ”của nó kéo dài như vậy là vì khác với những bạn cùng trang lứa là tinh tinh (khỉ gorilla hoặc bonobo) sống thành nhóm trong bầy đàn, học hỏi lẫn nhau, đười ươi con chỉ có mẹ, vừa là người nuôi dưỡng, vừa là người thầy của mình. Từ năm này qua năm khác, đười ươi mẹ dạy con thuộc lòng đường đi lối lại trong khu rừng, biết vào thời gian nào quả gì chín, mọc ở đâu trong cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh rậm rạp, gặp những nguy hiểm thì đối phó ra sao…
Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/da-nhan-trong-rung-ram/20210223025432675