Đa phần card đồ họa cũ ở Việt Nam là 'trâu cày'
Sau thời kỳ thoái trào của việc khai thác tiền mã hóa, lượng lớn card đồ họa từ các giàn đào, còn được gọi là hàng 'trâu cày' được đẩy ra thị trường.
Bên cạnh các dòng sản phẩm mới, loại linh kiện máy tính qua sử dụng, được bán trên thị trường thứ cấp vẫn có sức sống riêng tại Việt Nam. Các mẫu máy tính cá nhân được cấu thành từ nhiều bộ phận. Do vậy, việc lựa chọn một số linh kiện cũ cho giàn máy để tối ưu chi phí, đảm bảo đồng bộ vẫn được nhiều người dùng tìm đến.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh linh kiện máy tính tại Việt Nam, lượng sản phẩm card đồ họa cũ đang có trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc từ các giàn đào tiền mã hóa.
99% card cũ từ nguồn "trâu cày"
Hiện tại, lượng lớn linh kiện máy tính được đẩy ra thị trường thứ cấp, cần thời gian dài để được tiêu thụ hoàn toàn. Đây là hệ quả sau khi thị trường tiền số đi qua thời kỳ tăng trưởng nóng, nền tảng Ethereum chuyển từ mô hình xác thực Proof-of-Work (Bằng chứng công việc) sang Proof-of-Stake (bằng chứng cổ phần). Điều này khiến việc “đào coin” không còn lợi nhuận, nhiều chủ trại bán tháo, thanh lý hệ thống khai thác.
“Từ tháng 9/2022, thị trường trong nước xuất hiện lượng lớn card đồ họa cũ đủ chủng loại. Đa số linh kiện này đến từ các trại ‘trâu cày’ tiền số. Theo ước tính của người trong ngành, ít nhất đến tháng 6 thị trường mới hấp thụ hết lượng GPU qua sử dụng nói trên”, ông Trần Long Tiến, quản lý cửa hàng PC Titek, quận 10, TP.HCM cho biết.
Theo người này, gần như toàn bộ card đồ họa cũ đang lưu hành, được rao bán tại Việt Nam hiện tại có nguồn gốc từ các trại khai thác tiền mã hóa. Trong giai đoạn cao điểm, giới đào coin tìm mua toàn bộ các loại GPU hiệu suất cao, tạo khan hiếm, đẩy giá linh kiện này tăng cao. Trừ một số model như GTX 1050 Ti, GTX 1660, toàn bộ vi xử lý đồ họa đều từ NVIDIA, AMD đều được thu gom để khai thác tiền số.
Khi thị trường thoái trào, lượng lớn linh kiện này bị thanh lý, đẩy ra thị trường thứ cấp. Do vậy, người dùng nên cảnh giác cao khi mua các loại card đồ họa cũ trong thời điểm này.
Cảnh giác với card còn bảo hành
Theo ông L.K., kỹ thuật viên máy tính, có 6 năm làm việc tại một đại lý chuyên phân phối và lắp ráp giàn đào coin tại TP.HCM, chính nhà phân phối bán và lắp ráp máy đào cho chủ trại sẽ là đơn vị nhận thu lại những linh kiện đã qua sử dụng. Số thiết bị này, cùng với các bộ phận được sử dụng tại phòng máy Internet, được mua lại với giá rẻ bởi phải hoạt động liên tục, ở mức công suất cao trong điều kiện khắc nghiệt.
Ông K. cho biết tại đại lý nơi người này làm việc, có một bộ phận chuyên biệt gọi là “renew” (tạm dịch: làm mới). Ở đây, card đồ họa cũ sau khi được nhập về sẽ được kiểm tra bằng cách thực hiện các tác vụ nặng trong một khoảng thời gian. Đây là bước sàng lọc chất lượng của linh kiện thu lại.
“Nếu qua được bước kiểm tra ban đầu, một nhóm khác sẽ vệ sinh, sơn sửa, dán lại tem cho chiếc card đồ họa. Thành phẩm cuối cùng còn như mới, người mua khó mà phân biệt”, ông K. nói.
Mặt khác, theo ông Long Tiến, bởi loại card “trâu cày” nói trên hiện quá phổ biến, giá rẻ. Do đó, nhiều người bán còn loại bỏ cả bước làm mới, để nguyên rao bán trên cộng đồng, tìm người có nhu cầu.
Hiện tại, người dùng tìm mua các loại card đồ họa cũ cần cảnh giác với các sản phẩm được quảng cáo còn mới hay còn tem bảo hành. Ông Tiến cho biết sản phẩm có tem chính hãng hay trong thời gian bảo hành vẫn có thể bị từ chối hỗ trợ từ hãng nếu từng được sử dụng để khai thác tiền số.
“Card trâu cày hay từ phòng net đều phải hoạt động dưới điều kiện khắc nghiệt, nhiệt độ cao, nhiều bụi bẩn. Ngoài ra, chúng phải chạy 18-24 giờ mỗi ngày, ở mức công suất cao, nên độ bền không còn đảm bảo, dù chỉ hết hạn bảo hành thời gian ngắn”, ông K. chia sẻ. Ngoài ra, các bộ PC lắp sẵn, đầy đủ linh kiện cũng tiềm ẩn nguy cơ chứa nhiều bộ phận kém chất lượng từ những giàn trâu cày.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/da-phan-card-do-hoa-cu-o-viet-nam-la-trau-cay-post1403154.html