Đà phục hồi của Trung Quốc còn tùy thuộc hầu bao của người dân!
Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm 2023. Trong đó, chi tiêu tiêu dùng được coi là yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi của toàn nền kinh tế.
Theo Bloomberg, bên cạnh việc đưa ra một mục tiêu tăng trưởng khá khiêm tốn, một điểm đáng chú ý là việc các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã tránh đề cập đến bất kỳ biện pháp kích thích quy mô lớn nào để thúc đẩy sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, hoạt động tiêu dùng được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Động lực từ lượng tiền tiết kiệm khổng lồ
Theo Wall Street Journal, yếu tố quan trọng đối với sức phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế Trung Quốc nói chung là việc liệu người dân nước này đã sẵn sàng lấy tiền tiết kiệm ra để chi tiêu mạnh tay hay chưa?
Ước tính của Goldman Sachs cho thấy, sự hạn chế chi tiêu trong giai đoạn dịch bệnh đã giúp lượng tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc gia tăng mạnh, đưa tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình trong năm ngoái lên mức cao nhất trong nhiều năm là 33% GDP, tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2019 – giai đoạn trước khi dịch bệnh bùng phát.
Dựa trên các cơ sở thuận lợi như chính sách chống dịch được điều chỉnh, hoạt động kinh tế dần bình thường hóa và lượng tiền tiết kiệm khổng lồ, các nhà kinh tế từ HSBC và Morgan Stanley nhận định tiêu dùng tại Trung Quốc trong năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất khoảng 8%, tương đương với mức trước dịch.
Nhưng người Trung Quốc liệu đã sẵn sàng chi tiêu?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại tỏ ra thận trọng khi đánh giá về những tác động mà người tiêu dùng Trung Quốc có thể mang lại cho nền kinh tế.
Vấn đề đầu tiên là về quy mô thực sự của số tiền tiết kiệm tăng thêm tại Trung Quốc. Goldman Sachs tin rằng các gia đình Trung Quốc đã tích lũy được thêm khoảng 3.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương khoảng 431 tỉ đô la, hoặc chưa đầy 3% GDP trong giai đoạn 2020-2022. Nomura và UBS đưa ra con số cao hơn, lần lượt là 6.100 và 4.600 tỉ nhân dân tệ, tương đương 5% và gần 4% GDP.
Các con số này nhìn chung là khá lớn, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ. Bên cạnh đó, theo Công ty Nghiên cứu Rhodium, một phần lớn các khoản tiền gửi mới được các hộ gia đình Trung Quốc tích lũy trong năm ngoái là các khoản tiền gửi dài hạn, có kỳ hạn từ 3-5 năm, và khó có thể được đưa vào chi tiêu trong ngắn hạn.
Vấn đề thứ hai là khả năng người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng mở ví. Theo Giáo sư Wang Yajin tại trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc -châu Âu, mặc dù đã có nhiều kỳ vọng về một sự bùng nổ mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng bị kìm nén sau đại dịch Covid-19, nhưng trên thực tế, vào thời điểm hiện tại, chỉ có một số thành phố tại Trung Quốc trải qua “làn sóng tiêu dùng phục thù ngắn ngủi”.
Một số chuyên gia lập luận rằng, sức chi tiêu của người dân Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự phục hồi chậm của tăng trưởng thu nhập và thị trường việc làm. Các số liệu gần đây cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc hiện vẫn ở mức cao, sau khi đạt đỉnh gần 20% hồi năm ngoái.
Bên cạnh đó, các quan chức Trung Quốc hiện cũng chưa đưa ra nhiều thông tin về cách thức hỗ trợ thị trường bất động sản, vốn đã suy yếu nghiêm trọng kể từ cuối năm 2020. Và tại một quốc gia mà bất động sản chiếm tỷ lệ lớn trong tài sản của người dân như Trung Quốc, những cảm giác bất an về sự ảm đạm của thị trường nhà đất cũng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, và chi tiêu ít hơn trong thời gian dài.
Một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey tại Trung Quốc cho thấy, 58% số hộ gia đình thành thị được hỏi cho biết, sẽ tiết kiệm tiền để dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp – mức cao nhất kể từ năm 2014.
Để cải thiện tình hình này, Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây đã tuyên bố sẽ tiến hành nhiều biện pháp kích thích tiềm năng tiêu dùng và hỗ trợ thị trường trong thời gian tới.
Các biện pháp này được dự báo sẽ phải mất nhiều thời gian để triển khai và đem lại hiệu quả thực tế.
Nguồn: WSJ, Bloomberg, China Daily, CNBC, Reuters, AFP