Đà phục hồi doanh thu của doanh nghiệp trông cậy vào công nghệ bán hàng
Mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp (DN) Việt trong lúc này là làm thế nào để phục hồi doanh thu. Điều đó đòi hỏi tự thân các DN sẽ phải trông cậy nhiều vào việc linh hoạt ứng dụng các giải pháp công nghệ mới có tính chất là 'đòn bẩy' thông minh trong bán hàng, tiếp thị và truyền thông.
Đó là chia sẻ của ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ các Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam (CSMO Vietnam).
Xoay chuyển nghịch cảnh trong cơn suy thoái
Theo ông Vinh, những DN Việt nào “vượt bão”, xoay chuyển được nghịch cảnh trong cơn suy thoái này thì sẽ tiếp tục có những bước phát triển ổn định. Đó sẽ là các DN đón đầu được xu thế và dự đoán được các thay đổi, cũng như tận dụng sự thay đổi này để biến thành sức mạnh phát triển của DN.
Tại buổi họp báo mới đây ở Tp.HCM nhằm giới thiệu về Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMO Summit) mùa thứ 7 sẽ diễn ra vào tháng 11/2023, Phó chủ tịch CSMO Vietnam cho rằng, điều quan tâm của các DN trong lúc này là tìm kiếm các giải pháp công nghệ thông minh hơn về mặt bán hàng nhằm tạo ra động lực phát triển và tạo đà phục hồi doanh thu cho DN.
Đặc biệt, các giải pháp thông minh mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), mô hình ngôn ngữ lớn, và các chiến lược đòn bẩy cảm xúc để tăng trưởng, phục hồi doanh thu là điều mà các DN Việt đang hướng đến.
Hiện nay, các giải pháp, công cụ thông minh đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các DN hay cá nhân trong ngành sales (bán hàng) và marketing (tiếp thị). Chính vì vậy, các chủ DN cần tự tin đón đầu xu thế AI cũng như ứng dụng vào các chiến lược tăng trưởng doanh thu.
Có thể nói, trong kỷ nguyên của Chat GPT - một chatbot (công cụ thông minh nhờ khả năng tiếp nhận thông tin, phân tích câu hỏi và phản hồi chính xác những gì mà người dùng mong muốn) được điều khiển bởi công nghệ AI và các mô hình ngôn ngữ lớn thuộc hệ thống trí tuệ nhân tạo, cùng với các công cụ sáng tạo hình ảnh bằng AI, khả năng sáng tạo ra các sản phẩm truyền thông hầu như không giới hạn đang mở ra những khả năng đột phá trong lĩnh vực sales và marketing.
Một chuyên gia ví von, trong bối cảnh khó khăn chung về mặt thị trường như hiện nay, chiến thắng sẽ thuộc về những DN nào biết sử dụng AI, ứng dụng cho sales, marketing và truyền thông. Đó chính là một phần của bức tranh cuộc đua gia tăng hiệu quả kinh doanh, tạo đà phục hồi doanh thu cho DN Việt bằng các giải pháp thông minh hơn.
Xét về triển vọng phục hồi doanh thu của các DN Việt, đặc biệt là ở thị trường tiêu dùng nội địa, song song với việc ứng dụng công nghệ mới trong bán hàng và tiếp thị, tại báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô vào cuối tháng 8/2023, Công ty chứng khoán BVSC nhận định tăng trưởng tiêu dùng trong các tháng tới sẽ khởi sắc hơn.
Còn thực tế các tháng vừa qua, theo BVSC, tiêu dùng vẫn đang cho thấy khó khăn khi tăng trưởng ở mức thấp. Như hồi tháng 8/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng ở mức thấp (tăng 7,42% so cùng kỳ năm trước), trong khi trước dịch Covid-19 có mức tăng trung bình 11- 12%.
Mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch
Để cải thiện tăng trưởng tiêu dùng trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ từ khâu chính sách để kích thích tiêu dùng trong nước, giới chuyên gia cho rằng tự thân các DN cũng cần áp dụng mạnh mẽ hơn nữa các công nghệ về sales và marketing để vừa tăng sức mua và vừa phục hồi doanh thu cho DN.
Giáo sư Kok-Leong Ong, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (Đại học RMIT), nhấn mạnh tại Việt Nam, kỳ vọng từ người tiêu dùng và người dùng cuối ngày càng tăng, nhất là trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Do đó, DN sẽ cần phải tận dụng AI vào một thời điểm thích hợp.
Theo vị chuyên gia của RMIT, khi người Việt Nam cải thiện chất lượng cuộc sống sẽ muốn có trải nghiệm thông minh hơn và được cá nhân hóa hơn khi họ có những tương tác đầu tiên với DN trên môi trường số, dẫn đến việc cân nhắc về “trải nghiệm” mà AI có thể kích hoạt trên quy mô lớn.
“Nhìn từ quá khứ, những công ty nắm bắt và tìm cách tận dụng công nghệ mới thường trở nên rất thành công và được hưởng lợi từ đối thủ vốn không chịu thay đổi”, Giáo sư Kok-Leong Ong khẳng định.
Bên cạnh đó, trong quá trình phục hồi doanh thu, các DN cần lưu tâm khách hàng mua sắm đa kênh mang lại lợi nhuận cao hơn vì họ thường chi tiêu nhiều hơn những người mua sắm trên một kênh duy nhất.
Trong tương lai, theo chuyên gia của RMIT, các nhà bán lẻ và tiếp thị nên triển khai chiến lược bán lẻ đa kênh tích hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.
Cho nên, các DN Việt cần nghiên cứu trải nghiệm khách hàng trên tất cả các kênh và điểm chạm, đồng thời xây dựng chiến lược marketing mang lại trải nghiệm khác biệt cho khách hàng.
Các nhà bán lẻ ở Việt Nam cũng cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. DN có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm phong phú trên nền tảng di động bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo hay thực tế tăng cường, nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID), mã QR, phân tích dữ liệu từ hành vi mua sắm trong cửa hàng, metaverse (vũ trụ ảo)...
Theo Ts.Nguyễn Thị Vân Anh, chuyên gia ngành Digital Marketing (những hoạt động marketing được thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số), người tiêu dùng biết là họ muốn gì, khi nào và cần sử dụng kênh nào cho các mục đích khác nhau. Họ rất ưu tiên các nhà bán lẻ có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm thuận tiện và liền mạch trên các kênh.
Do những khách hàng này thường sử dụng kỹ thuật thành thạo hơn, dẫn tới họ sẽ có yêu cầu cao về kỹ thuật đối với các nhà bán lẻ đa kênh. Vì vậy, Ts. Nguyễn Thị Vân Anh khuyến nghị, các nhà bán lẻ phải đầu tư nhiều hơn để cải tiến công nghệ của các kênh trực tuyến lẫn trực tiếp nhằm đảm bảo hành trình tìm kiếm và mua hàng của khách hàng sẽ suôn sẻ, dễ dàng và nhanh chóng.