Đã qua thời 'nhất y nhì dược'?
Gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc trong 18 tháng qua, tỷ lệ cao nhất ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai... Cụ thể, năm 2021 có hơn 5.200 nhân viên y tế thôi việc, 6 tháng đầu năm nay có hơn 4.000 người. Số lượng người nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 cao gần tương đương số người trong cả năm 2021.
Những con số mà Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, ngày 4-7 vừa qua khiến nhiều người giật mình. Sau khoảng thời gian khốc liệt nhất đối với ngành y tế, phải dứt áo ra đi, đối với mỗi nhân viên y tế đều chẳng phải là điều dễ dàng, đều đăm đắm những suy nghĩ, đắn đo,…
Chị T.T - nhân viên y tế tại một bệnh viện công ở Hà Nội: "Nghỉ việc, điều tôi nặng lòng nhất là không giúp đỡ được bệnh nhân"
Cách đây 5 năm, khi được nhận vào làm nhân viên y tế ở một bệnh viện công cỡ lớn ở Hà Nội, tôi vui lắm, không bao giờ nghĩ rằng có lúc mình lại rời đi. Tôi và chồng tôi cùng làm việc ở khoa khám bệnh. Chồng tôi là kĩ thuật viên, còn công việc của tôi chủ yếu là đón tiếp, hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân. Bình thường đã vất vả, nhưng trải qua dịch bệnh, tôi mới thấy công việc của chúng tôi gặp nhiều áp lực.
Thời gian đầu đại dịch COVID-19, con trai tôi lúc đó đang học mẫu giáo nghỉ học ở nhà nên tôi phải thuê người đến nhà trông con, với mức chi phí 300 nghìn đồng/ngày. Nhưng khi dịch ngày càng phức tạp, không thể trụ được, vợ chồng tôi đưa con về gửi ông bà ngoại ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Đợt đầu, con tôi ở 3 tháng ngoài đảo. Đợt sau căng quá, tôi gửi con liền 10 tháng mà không ra thăm con được lần nào. Con tôi từ nhỏ chưa xa bố mẹ bao giờ nên khóc suốt. Lòng tôi cũng như lửa đốt, thương con phải trải qua một năm lớp 1 đầy bỡ ngỡ mà không hề có mẹ bên cạnh.
Ở bệnh viện, điều ám ảnh với tôi là khi khoác bộ quần áo bảo hộ vào người, làm việc mải miết, quên đi mọi nhu cầu cá nhân. Nhưng dù có thế nào thì trong những lúc ấy tôi không hề có ý định nghỉ việc, bởi lương tâm làm nghề không cho phép tôi làm thế. Tôi đang trong guồng quay chống dịch, tôi không thể tháo lui giữa chừng, các bệnh nhân cần tôi. Sự hy sinh của nhân viên ngành y chúng tôi trong đại dịch đáng được trân trọng và nhìn nhận đúng.
Nhưng khi dịch bệnh đã lắng xuống, nghĩ đến con, nghĩ đến mức lương eo hẹp, vợ chồng tôi suy nghĩ nhiều và rồi quyết định chồng tôi sẽ ở lại, còn tôi rời bệnh viện từ cuối tháng 4-2022. Vợ chồng tôi mới mua căn chung cư nhỏ, tiền mua nhà còn chưa trả xong. Nghỉ việc, tôi tập trung bán hải sản online. Mọi thứ mới đang dậm dạp bước đầu, dẫu còn khó khăn, nhưng tôi yên tâm rằng, nếu chẳng may dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, dẫu chồng tôi có phải ở bệnh viện cả tuần, cả tháng thì tôi vẫn có thể chăm sóc được con tôi. Tôi mong mỏi công việc mới này sẽ giúp tôi có thu nhập tốt hơn để trả hết tiền nhà.
Không chỉ riêng tôi, ở khoa của tôi, một số đồng nghiệp cũng có tư tưởng chuyển nơi làm việc. Các cơ sở y tế tư nhân sau một thời gian cắt giảm nhân lực trong thời gian dịch bệnh giờ đã đã tuyển nhân viên, bác sĩ trở lại với mức lương tốt hơn. Vì thế, nhiều người đã có sự lựa chọn rời bệnh viện công để sang bệnh viện tư. Có chị đồng nghiệp của tôi đang đi học làm bánh ngọt để có nghề mới trong tương lai. Nhiều người chưa biết sẽ làm nghề gì khi nghỉ việc nên còn do dự.
30 tuổi, tôi rời bệnh viện, điều tôi thấy nặng lòng nhất là không giúp đỡ được bệnh nhân. Có bác bệnh nhân khi nhận được kết quả mình bị ung thư, mặt tái đi, miệng méo xệch nhưng vẫn cố dặn bác sĩ đừng nói gì với con cái họ. Có người con khi nhận được tin bố mẹ mắc bạo bệnh đã khóc nức nở ở ngay hành lang bệnh viện. Những hình ảnh đó cứ đeo đẳng trong tâm trí tôi. Đã bao lần tôi cầm lấy đôi bàn tay gầy guộc của người bệnh để an ủi, động viên, chỉ dẫn tận tình. Đã bao lần tôi dìu họ lên ghế ngồi trong cơn choáng váng, suy sụp. Tôi chẳng thể giúp gì nhiều cho họ, nhưng tôi vẫn làm những việc nhỏ nhất để trong lúc ấy họ nhận được niềm đồng cảm, sẻ chia.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sương - Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk: Tôi đã trụ lại với nghề qua bao đợt dịch bệnh
Năm 1988 tôi ra trường và vào làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Thử thách khốc liệt đầu tiên dành cho một nữ bác sĩ trẻ như tôi là bệnh dịch hạch lan tràn ở vùng đất Tây Nguyên.
Người dân từ các buôn làng nghèo khó vượt quãng đường xa xôi đưa nhau đến bệnh viện, nhưng đa số đã ở giai đoạn muộn. Khi đã bị bọ chét cắn, chỉ sau hai ngày hạch bạch huyết nổi lên trên khắp cơ thể, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái mê sảng, lẫn lộn, vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, cái chết đến nhanh không ngờ. Xác người chết nằm rải rác từ trong phòng điều trị ra tới hành lang. Chúng tôi hồi đó quay cuồng với việc cứu chữa người bệnh từ sáng tới đêm.
Khó khăn, vất vả mấy chúng tôi không quản, chỉ đau lòng khi nhìn thấy bệnh nhân bỏ mạng ngay trước mắt mà không làm gì được. Bệnh dịch hạch qua đi, dịch sốt xuất huyết, sốt rét lại ập đến. Không biết bao đêm thức trắng trong cuộc đời bác sĩ của tôi. Ba mươi lăm năm gắn bó với bệnh viện, không biết bao lần tôi cùng các đồng nghiệp tới những buôn làng xa xôi khám bệnh cho bà con, đi chống dịch, làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Điểm đến là các trạm y tế xã, hội trường thôn, trường học nghèo nàn. Chúng tôi hồi đó mải miết làm việc quanh năm suốt tháng, tới kỳ thì nhận lương, không có suy nghĩ gì thêm, không so bì, không nhìn lên nhìn xuống, không nhìn trước nhìn sau, mặc dù thời đó cuộc sống của chúng tôi thực sự khó khăn.
Cách đây ba năm, tôi nghỉ việc ở bệnh viện, không phải vì hết đam mê nghề y mà tôi muốn nghỉ việc sớm để về đoàn tụ với chồng con ở thành phố Đà Nẵng. Về Đà Nẵng, vì nhớ nghề mà tôi lập phòng khám để tiếp tục khám chữa bệnh cho người dân. "Nhất y nhì dược" - câu nói mà chúng tôi luôn bám víu vào để làm nghề, để thấy tự hào, có động lực phấn đấu. Nhưng khi đã dấn thân thì đều tự hiểu rằng nghề y còn là trách nhiệm, là sứ mệnh cứu người. Nếu ai đó chỉ chăm chăm nghĩ rằng vào ngành y để có thu nhập cao, công việc thuận lợi, thì có lẽ họ sẽ là những người rời đi sớm nhất.
Nhưng cũng phải thấy rằng xã hội đã thay đổi quá nhiều, nhu cầu cuộc sống tăng cao, nhưng đồng lương thì không đủ sống. Mấy nay tôi nghe tin tức đồng nghiệp của tôi ở nhiều nơi trên cả nước nghỉ việc hoặc chuyển việc, tôi thấy buồn và thương họ, cũng thương cho chính tôi. Cũng có bác sĩ cùng thời với tôi bỏ bệnh viện công ra ngoài làm, có nhân viên y tế vẫn tranh thủ làm nương rẫy, trồng cà phê, hồ tiêu để kiếm thêm thu nhập. Nghề y sống bằng tâm bằng trí, nhưng dù có yêu nghề đến mấy cũng không đủ can đảm trụ lại ở một vị trí còn chông chênh.
Bà Ngô Mỹ Nhan - nguyên Phó trưởng Trạm Y tế phường 9, quận 10, TP Hồ Chí Minh: Tôi đi chích ngừa suốt đêm ngày mà không cứu nổi chồng tôi
Tôi bắt đầu làm y tế phường năm 1989, về hưu năm 2018, cũng đã gần ba mươi năm gắn bó với nghề. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng thời điểm dịch COVID-19 nặng nề nhất ở TP Hồ Chí Mính, tôi vẫn tình nguyện tham gia chống dịch. Tôi thuộc tổ chích ngừa vaccine ở phường 9, quận 10. Vào thời điểm rất căng thẳng, đội ngũ y tế phường mỏng nên quá tải trầm trọng. Tổ tôi ngày nào cũng làm việc quay cuồng từ sáng sớm tới tối muộn, trung bình một ngày chích ngừa 700-800 mũi. Lúc đó phường 10 nơi gia đình tôi sinh sống chưa triển khai chích ngừa vaccine đồng loạt cho người dân, nên nhà tôi có năm người, thì tôi và hai con trai được chích ngừa trước, còn chồng và con gái tôi thì chưa.
Dù phòng dịch kĩ càng nhưng rồi đến thời điểm cả nhà tôi đều bị nhiễm COVID-19. Chỉ có điều, tôi và hai con trai đã chích vaccine nên nhẹ hơn. Còn chồng và con gái tôi thì bị rất nặng. Những ngày đó, tôi cảm thấy lo lắng tột độ khi tình trạng của chồng con tôi mỗi lúc một nặng. Tôi đi chích ngừa cho bao nhiêu người, mà tôi không làm gì được cho chồng con tôi. Tôi bất lực chứng kiến cơn bão COVID-19 tràn vào nhà mà không có cách gì ngăn nổi. Con gái tôi tự cách li trong phòng, nhưng khi con kêu không thể thở được nữa, người tím tái, giãy giụa, thì cả nhà tôi lúc ấy không còn nghĩ đến việc cách ly, tất cả lao vào, tưởng như chỉ để nhìn mặt con gái lần cuối.
Chồng tôi bình thường khỏe lắm, nhưng khi nhiễm COVID-19 bỗng trở nặng nhanh không ngờ. Khó khăn lắm tôi mới đưa được chồng và con gái nhập viện. COVID-19 nhanh chóng hạ gục chồng tôi, anh ra đi khi không có vợ con bên cạnh, không biết ra đi lúc nào. Còn con gái tôi ở tình trạng rất nguy kịch, tưởng không qua khỏi. Ơn giời, sau bao nhiêu ngày trong viện cháu cũng vượt qua cửa tử. Ngày con gái tôi xuất viện về nhà, người yếu rớt, đến thở cũng khó khăn, cũng là ngày tôi nhận được tro cốt của chồng tôi. Ai biết hoàn cảnh nhà tôi cũng thương, trách tôi sao không xin suất tiêm cho chồng con sớm hơn. Nhưng tôi thực sự thấy ái ngại, bởi ở thời điểm đó, nhìn bà con bên phường 9 xếp hàng dài chờ chích ngừa với tâm trạng mong ngóng, tôi không nỡ chen chân vô. Nghĩ rằng khi nào triển khai bên phường 10 khu nhà tôi, thì chồng con tôi cũng đến lượt. Ai ngờ rằng mọi sự đã thành quá muộn.
Dù vất vả, dù bao nhiêu sóng gió ập đến với gia đình tôi, nhưng tôi vẫn bền bỉ với công việc y tế của phường, không nề hà, nghi ngại. Dù có nhiều nhân viên nghỉ việc, thì tôi vẫn cứ yêu công việc này, sẵn sàng tham gia tình nguyện. Người dân khu tôi ở sau khi nhiễm bệnh vẫn có tôi luôn ở bên hỗ trợ, truyền nước, hướng dẫn tập thở. Nếu cho tôi quay lại để chọn nghề, tôi vẫn cứ chọn nghề y và năng nổ hết mình với vai trò là cán bộ y tế phường.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/da-qua-thoi-nhat-y-nhi-duoc--i660122/