Đã quy hoạch chi tiết 1/500 thì bỏ cấp phép xây dựng để giảm phiền hà cho dân

Việc bỏ cấp phép xây dựng ở khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ giúp người dân bớt thủ tục, chủ động xây nhà.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chủ trương mang tính đột phá khi đề xuất phải quyết liệt cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, trong đó có thủ tục cấp phép xây dựng.

Phù hợp với xu hướng quản lý đô thị

Trao đổi với PLO, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc bỏ yêu cầu xin giấy phép xây dựng với một số công trình đủ điều kiện là phù hợp với xu hướng quản lý đô thị hiện nay.

 KTS. Trần Ngọc Chính. Ảnh: PLO

KTS. Trần Ngọc Chính. Ảnh: PLO

Theo ông Chính, hiện nay người dân xây nhà hay làm gì cũng phải xin phép, dẫn đến nhiều thủ tục hành chính phiền hà. Tuy nhiên, không phải công trình nào cũng nên bỏ giấy phép. Việc này chỉ nên áp dụng tại những khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Khi đó, bản quy hoạch đã xác định rõ mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc mặt ngoài…

Ví dụ, trên một mảnh đất 100m² thì được phép xây bao nhiêu diện tích nhà, phần còn lại là khoảng lùi, không gian xanh; nếu quy định được xây 3 tầng thì chỉ được xây đúng 3 tầng. Ngoài ra, các yếu tố như khoảng lùi so với vỉa hè, chiều cao tầng một… cũng đã nằm trong quy hoạch chi tiết, không cần lặp lại trong giấy phép xây dựng.

“Nếu khu dân cư đã được quy hoạch chi tiết 1/500 rồi thì người dân không cần xin phép nữa, cứ thế mà xây. Tuy nhiên, vẫn phải thông báo cho chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát” - ông Chính góp ý.

Việc Thủ tướng chỉ đạo bỏ giấy phép xây dựng với một số công trình đủ điều kiện là nhằm giúp người dân chủ động trong việc xây nhà, giảm bớt thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo công trình nằm trong quy hoạch được phê duyệt.

“Quy định này tạo điều kiện cho người dân thể hiện quyền làm chủ đối với mảnh đất của mình nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm các quy định của nhà nước” - ông Chính nhấn mạnh.

Vẫn cần giám sát chặt

Dưới góc nhìn địa phương, một lãnh đạo xã tại Hà Nội cho biết việc bỏ thủ tục cấp phép xây dựng có thể giúp người dân thuận tiện hơn nhưng có thể làm tăng áp lực giám sát cho chính quyền cơ sở.

Hiện nay, quy hoạch đất đai tại địa phương đã rõ, đâu là đất ở, đâu là đất dịch vụ và mỗi loại đất đều có giới hạn về chiều cao, mật độ xây dựng theo quy định của Bộ Xây dựng.

Từ khi khởi công đến lúc hoàn thành, công trình nào cũng phải được giám sát. Trước đây, người dân khi xây nhà thường phải thuê người thiết kế bản vẽ, sau đó nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng và chờ khoảng nửa tháng là có kết quả. Khi có giấy phép rồi, họ thông báo cho chính quyền để được kiểm tra và giám sát trong quá trình xây dựng.

 Một công trình xây dựng. Ảnh minh họa: PLO

Một công trình xây dựng. Ảnh minh họa: PLO

Nếu bỏ cấp phép xây dựng, các địa phương vẫn phải kiểm tra khi người dân khởi công và cần quy định rõ trách nhiệm người dân phải thông báo cho chính quyền. Chính quyền từ đó mới theo dõi, giám sát việc xây dựng có đúng mật độ, chiều cao, khoảng lùi hay không. Nếu không còn giấy phép để làm căn cứ kiểm tra thì phải căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tính toán và đối chiếu.

“Bỏ giấy phép thì vẫn cần thông báo xây dựng. Việc này không chỉ là thủ tục mà còn giúp chính quyền thực hiện giám sát hiệu quả, tránh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng” - vị lãnh đạo xã nói.

NGUYỄN HINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/da-quy-hoach-chi-tiet-1500-thi-bo-cap-phep-xay-dung-de-giam-phien-ha-cho-dan-post852078.html