Đa 'sắc màu' thể thao truyền thống
PTĐT - Những năm qua, cùng với sự quan tâm, đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng và các môn thể thao thành tích cao, ngành thể thao của tỉnh không ngừng chú trọng, phát triển các môn thể thao dân tộc. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân, đồng thời bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Tại các địa phương có sông lớn chảy qua như huyện Đoan Hùng, huyện Thanh Thủy, thành phố Việt Trì, vào các dịp Tết, ngày lễ của địa phương, hội thi bơi chải luôn thu hút đông đảo nhân dân tham gia và cổ vũ. Không chỉ là nét đẹp văn hóa dân gian, bơi chải còn là môn thể thao truyền thống có tính cạnh tranh, thi đấu rất cao. Tại mỗi huyện, sau các cuộc thi đều tuyển chọn những VĐV tốt nhất đại diện tham dự hội thi bơi chải truyền thống mở rộng của tỉnh tổ chức vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Bơi chải là một hoạt động mang tính đoàn kết, đồng đội cao, 27 người trên chải phải thật nhịp nhàng, phân bố đều sức các tay chèo, chải mới bơi nhanh. Trong ngày thi chải, màu sắc sặc sỡ của thuyền, của trang phục thi đấu, hòa quyện với âm thanh náo nhiệt của tiếng mái chèo khua sóng, tiếng trống, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô của vận động viên, tiếng reo hò cổ vũ của người dân, du khách, tạo thành bức tranh sống động, ấn tượng. Lễ hội Bơi Chải đã khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm, cộng đồng, sức mạnh về môn thể thao truyền thống của dân tộc, là dịp để tôn vinh tinh thần thượng võ, tái hiện lịch sử hào hùng, oanh liệt của cha ông suốt hàng nghìn năm giữ nước.
Với các huyện miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, môn đẩy gậy từ lâu đã là nét đẹp văn hóa độc đáo. Đây là môn thể thao, trò chơi dân gian thể hiện sức mạnh cơ bắp, chiến thuật khéo léo linh hoạt cùng ý chí kiên cường, dẻo dai của nam giới. Tổ chức thi đấu đẩy gậy rất đơn giản, chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng tre hay gỗ tốt có chiều dài 2m, được sơn 2 màu đỏ và trắng. Khi chơi hay thi đấu người ta vẽ một vòng tròn có đường kính 5m có vạch giới hạn phân chia hai người chơi nằm trong phạm vi của sân. Theo quy định luật chơi, bên nào để chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi cuộc thi đẩy gậy thường diễn ra từ 2 đến 3 hiệp. Không chỉ những người trực tiếp tham gia thi đấu mới thấy hào hứng mà ngay chính khán giả cũng có diễn biến tâm trạng theo từng hiệp đấu, khi dồn dập, lúc khoan thai làm không khí cuộc thi đẩy gậy sôi nổi, cuốn hút... Sau cuộc đấu, các đối thủ lại khoác tay nhau trên tinh thần thượng võ. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc huấn luyện học sinh dự thi môn đẩy gậy tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp, thầy giáo Nguyễn Quang Ngọc, Trường THPT Hermann Gmeiner Việt Trì cho biết: “Ở môn đẩy gậy, để thắng đối thủ, người chơi không chỉ cần có sức mạnh, mà còn phải khéo léo, có kỹ thuật đẩy làm cho đối phương chạm chân hoặc ra ngoài vòng đấu”.
Thực tế ở các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã chủ động, vận động nhân dân đóng góp xây dựng sân bãi phục vụ tập luyện, giao lưu thi đấu thường xuyên. Các giải đấu, hoạt động thể dục thể thao đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống. Các hội thi giao lưu thể thao đã trở thành sân chơi bổ ích, nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao sức khỏe người dân. Tại các giải thể thao như Đại hội thể thao cấp tỉnh, Hội khỏe Phù Đổng, các giải thể thao của các ngành, đơn vị những môn thể thao truyền thống luôn có trong hệ thống các môn thi đấu khẳng định vị trí quan trọng của các môn thể thao truyền thống tạo không khí vui tươi, phấn khởi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ông Lê Hồng Sơn - Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ TDTT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Để ưu tiên đầu tư phát triển TDTT ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ưu tiên phát triển các môn TDTT truyền thống, ngành TDTT tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư cho các môn thể thao dân tộc dựa trên tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Mặt khác, tổ chức các giải thi đấu riêng với từng bộ môn cụ thể, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhiều VĐV. Qua đó, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở trong tỉnh, góp phần phát triển sâu rộng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.Có thể khẳng định, trong những năm qua, các môn thể thao dân tộc đã được chú trọng phát triển và thường xuyên được đưa vào luyện tập, thi đấu. Thông qua giải thể thao các cấp đã giúp tỉnh tuyển chọn, đào tạo những VĐV xuất sắc đạt thành tích cao tại các giải khu vực và toàn quốc. Bên cạnh việc phát triển phong trào tại cơ sở, với trọng tâm là xây dựng và nhân rộng mô hình các CLB thể thao truyền thống; công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động TDTT cũng là nhiệm vụ quan trọng để các môn thể thao truyền thống luôn được gìn giữ và phát triển.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/the-thao/202009/da-sac-mau-the-thao-truyen-thong-172954