Đã số hóa 2,52 triệu sổ hộ tịch với hơn 60 triệu dữ liệu
Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho biết số sổ hộ tịch đã được số hóa là hơn 2,52 triệu với hơn 60 triệu dữ liệu, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là trên 50 triệu dữ liệu.
Số hóa 2,52 triệu sổ hộ tịch với hơn 60 triệu dữ liệu
Báo cáo tại hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 , Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá.
Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của bộ được lãnh đạo bộ chỉ đạo quyết liệt. Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện pháp luật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và có nhiều đổi mới.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được ngành tư pháp chú trọng triển khai thực hiện, trọng tâm là các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06; đã thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID tại Hà Nội và Thừa Thiên-Huế, được người dân đón nhận tích cực.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải cho biết, số sổ hộ tịch đã được số hóa là hơn 2,52 triệu sổ với hơn 60 triệu dữ liệu, trong đó đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là trên 50 triệu dữ liệu.
Đến nay đã có 17 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong nhiệm vụ số hóa, 30 tỉnh, thành phố dự kiến hoàn thành nhiệm vụ trong nửa đầu quý 3/2024.
Tuy nhiên, theo ông Hải, ở một số địa phương nhiều khả năng tiến độ số hóa không được bảo đảm theo quy định do một số nguyên nhân như: Nhận thức chưa chính xác, đầy đủ về nhiệm vụ số hóa; chưa được quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng; nhiều sổ hộ tịch bị thiếu trường thông tin, hoặc thông tin đồng bộ không chính xác...
Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, trong 9 tháng (tính từ ngày 1.10.2023 đến ngày 30.6.2024), hệ thống thi hành án đã thi hành xong gần 404.000 việc, đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 27,6%.
Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 2.117 việc, với số tiền trên 11.387 tỉ đồng.
"Một dự án bình thường mất đến 3 năm, nhưng chỉ trong 6 tháng đã gần về đích"
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung, dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế, xác định đây là trọng tâm ưu tiên trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Phó thủ tướng lấy ví dụ, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật.
Kết quả này có vai trò tham mưu của các bộ, ngành liên quan, có vai trò thẩm định của Bộ Tư pháp, góp ý của các cơ quan liên quan, việc xem xét, thông qua của Chính phủ, Quốc hội. Đặc biệt là việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản số, Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành các quy định hướng dẫn.
Trong đó, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 56 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. "Đây là một cố gắng rất lớn", Phó thủ tướng nói.
Theo Phó thủ tướng, ngành tư pháp đã có đóng góp thiết thực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, vào tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Lấy một ví dụ cụ thể về đóng góp này, Phó thủ tướng đề cập đến Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519km. Một dự án như này bình thường phải mất đến 3 năm, nhưng nay chỉ trong 6 tháng đã gần về đích.
Theo đó, Phó thủ tướng đánh giá cao, ghi nhận nỗ lực, đóng góp của cán bộ pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp trong việc tham mưu sửa ngay một số điều của Nghị định 156 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp) để xử lý một việc là làm sao mở đường tạm xuyên qua rừng để đưa nguyên vật liệu, nhân lực vào thi công dự án. Nếu chờ sửa tổng thể Nghị định 156 thì sẽ mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 còn một số tồn tại, hạn chế như một số bộ, ngành địa phương chưa chủ động trong việc tham mưu, đôn đốc, xử lý văn bản có vướng mắc, bất cập; công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác phối hợp giữa các giữa các bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thực sự hiệu quả…
Để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó thủ tướng yêu cầu cần phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên thường trực Ban Chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thu hút, huy động sự tham gia, hỗ trợ của doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Về phía cơ quan tư pháp địa phương, Phó thủ tướng đề nghị phải bám sát chương trình công tác, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ đạo chuyên môn của bộ, ngành; cần tập trung hơn vào công tác góp ý cho chùm nghị định liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, bảo đảm khả thi, tránh sai sót.
Phó thủ tướng cũng lưu ý chú trọng công tác số hóa giấy tờ trong lĩnh vực tư pháp; chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương bố trí thêm kinh phí và đầu tư cơ sở hạ tầng; thực hiện đánh giá tình trạng hoạt động và hiệu quả của tổ chức thanh tra.