Đạ Tẻh xuất hiện chùm ca bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non Họa Mi
Tối 24/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật cho biết: Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh vừa báo cáo về chùm ca bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non Họa Mi (xã An Nhơn). Ngày mai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cử cán bộ phối hợp với huyện Đạ Tẻh chỉ đạo, giám sát triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng tại địa phương.
Qua xác minh, Trường Mầm non Họa Mi có 7 lớp học với 210 học sinh, 14 giáo viên, 9 cán bộ khác; trong đó, lớp Sơn Ca nơi có ca bệnh là 24 học sinh.
Từ ngày 21/9 số học sinh nghỉ học của toàn trường là 19 học sinh, riêng với lớp Sơn Ca có 8 học sinh nghỉ, 11 học sinh nghỉ học tại các lớp khác không phải do nghỉ ốm. Qua điều tra thông tin, trong 8 trẻ nghỉ học của lớp Sơn ca có 5 trẻ mắc tay chân miệng.
Sau khi tiến hành khám sàng lọc cho toàn bộ học sinh của trường đi học ngày 21/9, phát hiện thêm 2 ca tay chân miệng tại lớp Sơn Ca. Như vậy, tổng số ca mắc tay chân miệng tại trường là 8 trường hợp, đều xuất hiện bệnh tại lớp Sơn Ca.
Trường hợp trẻ khởi bệnh đầu tiên vào ngày 19/9, cháu có sốt và đi khám bác sỹ tư, được chẩn đoán viêm họng, ngày 21/9, cháu có bớt sốt nhưng xuất hiện phỏng nước ở trong miệng, vùng mông và đầu gối. Đồng thời, y tế cũng ghi nhận thêm 7 trường hợp tay chân miệng tại lớp Sơn Ca của ca mắc đầu tiên lây nhiễm sang. Do phụ huynh cho con em khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư vì vậy khó nắm thông tin theo dõi, quản lý ca bệnh kịp thời. Vì vậy, đã có sự lây lan và xuất hiện chùm ca bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non Hoa Mi.
Các biện pháp đã triển khai xử lý dịch: Đối với các gia đình có trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, hướng dẫn các gia đình thực hiện ăn chín uống sôi, tăng cường dinh dưỡng, tăng cường vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ nếu có các biểu hiện sốt, viêm họng, nổi bọng nước và các biến chứng thần kinh như sốt cao, giật mình, bứt rứt khó ngủ, yếu cơ, đi loạng choạng... thì đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế. Cho trẻ nghỉ học cách ly tại nhà trong thời gian 14 ngày kể từ ngày khởi bệnh.
Hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh đối với phụ huynh, người chăm sóc trẻ: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn vả trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, thường xuyên vệ sinh răng miệng, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như sử dụng chung các dụng cụ, vật dụng với trẻ bị bệnh.
Trung tâm Y tế Đạ Tẻh đã tổ chức khám sàng lọc bệnh tay chân miệng tại trường học cho 191 học sinh. Cấp phát và hướng dẫn sử dụng Cloramin B cho nhà trường để làm sạch nhà vệ sinh, các dụng cụ, vật dụng thường xuyên sử dụng của trẻ, dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác có khả năng bị nhiễm dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vệ sinh răng miệng, hạn chế tối da tiếp xúc trực tiếp như sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh. Thực hiện một số biện pháp hạn chế lây truyền theo đường phân, miệng khác như ăn chín, uống sôi, sử dụng cụ ăn uống riêng.
Cô giáo hoặc người hướng dẫn tại nhà trường phải thường xuyên theo dõi học sinh hàng ngày, đặc biệt khi trẻ đến lớp, các biểu hiện sốt, xuất hiện loét miệng, phỏng nước để thông báo cho gia đình và y tế xử lý kịp thời.
Đối với cộng đồng: Điều tra, giám sát tại cộng đồng, phun hóa chất xử lý môi trường cấp Cloramin B cho gia đình tiếp tục xử lý đồ chơi, vật dụng sinh hoạt của trẻ trong những ngày tới.
Trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh tham mưu cho Ban Chỉ đạo sức khỏe Nhân dân huyện họp xây dựng kế hoạch, chỉ đạo giao trách nhiệm cho các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp với ngành giáo dục trong công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho học sinh lớp Sơn Ca nghỉ học 10 ngày kể từ ngày 21/9/2020 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn toàn huyện, in ấn tờ rơi truyền thông về bệnh tay chân miệng để cấp phát cho các hộ gia đình và các trường mầm non trên địa bàn huyện. Tiếp tục triển khai hoạt động khám sàng lọc để phát hiện những có mắc mới tại các trường mầm non. Tổ chức thu dung, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Tiếp tục triển khai tập huấn chuyên môn phòng chống bệnh tay chân miệng cho mạng lưới y tế toàn huyện, cộng tác viên, y tế thôn bản, y tế trường học.
Theo dõi sức khỏe các trường hợp bệnh tay chân miệng tại nhà chặt chẽ, hướng dẫn gia đình chăm sóc, phát hiện những dấu hiệu chuyên nặng của bệnh tay chân miệng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời, lấy chuyển mẫu xét nghiệm các ca được chỉ định theo qui định. Tiếp tục phun khử khuẩn tại trường học và tại gia đình các trẻ nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng. Cấp phát hóa chất Cloramin B và hướng dẫn các trường mầm non trên địa bàn huyện, các hộ gia đình bệnh nhân sử dụng đúng và hiệu quả.