'Đá thúng, đụng nia'
Ngày 28-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) cho các cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Mục đích của việc khen thưởng là để khuyến khích, động viên cũng như ghi nhận công lao, thành tích của các nghệ sĩ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa, nghệ thuật của đất nước nói riêng và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung. Tuy nhiên, không ít đối tượng đã cố tình 'đá thúng, đụng nia', xuyên tạc bản chất của việc trao tặng danh hiệu cao quý này.
Những ngày vừa qua, sau khi quyết định tặng thưởng danh hiệu NSND của Chủ tịch nước được công bố, trên một số trang mạng xã hội đã tán phát các thông tin lệch lạc, phiến diện, mang tính chất xuyên tạc. Các đối tượng xấu cố tình “đá thúng, đụng nia”, công kích người này, nói xấu người kia, đánh tráo bản chất vấn đề, thậm chí lồng ghép các luận điệu kích động chia rẽ vùng miền. Đơn cử, trong bài viết có tiêu đề “Nghệ sĩ nhân dân”, Tiếng dân News rêu rao: “Danh hiệu NSƯT, NSND nó là sản phẩm XHCN… Các nghệ sĩ miền Bắc đa phần có biên chế cơ quan nhà nước, hay sáng tác theo lề, thì rất thích… Nghệ sĩ miền Nam rất khác, giống tư bản giãy chết hơn, nên không mặn mà lắm với mấy cái tem nhãn của Nhà nước”. Trong khi đó, Việt Tân lại cho rằng: “Danh hiệu này chỉ mang tính chính trị”. Hay một số đối tượng khác thì tung ra luận điệu: “NSND không cần phải do Nhà nước xét tặng, chỉ cần có nhiều khán giả công nhận là được”, “cần phải xóa bỏ tiêu chí chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc xét tặng NSND để tự do phát triển nghệ thuật”… Những luận điệu độc hại này đã được các đối tượng xấu chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội và tiếp cận đến không ít người.
NSND là một danh hiệu vinh dự Nhà nước. Theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng, danh hiệu NSND để tặng cho các cá nhân đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và đạt các tiêu chuẩn gồm: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật từ 20 năm trở lên hoặc từ 15 năm trở lên đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa; sau khi được tặng danh hiệu NSƯT, tiếp tục được tặng giải thưởng của các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật trong nước hoặc ngoài nước hoặc có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích, đón nhận. Như vậy, có thể thấy NSND là người phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cả về tài và đức. Chính vì vậy, việc được tặng danh hiệu NSND là niềm vinh dự lớn đối với các cá nhân được trao thưởng.
Việc xét tặng danh hiệu NSND được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai. Không ai bắt ép các nghệ sĩ phải làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND. Thực tế, trong số những người đang chê bai, dè bỉu việc trao tặng danh hiệu NSND những ngày vừa qua, có không ít người là nghệ sĩ, từng làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND nhưng bị “trượt” và từ đó nảy sinh tâm lý tự ái, hậm hực, cay cú, thậm chí bất mãn, đưa ra những phát ngôn không chính xác. Không biết vô tình hay cố ý nhưng rõ ràng, những phát ngôn thiếu chuẩn mực của một số nghệ sĩ đã trở thành chất liệu để các đối tượng xấu nhào nặn, tạo cớ tấn công chính quyền.
Một số kẻ lộng ngôn cho rằng, những người được trao tặng danh hiệu NSND đều là “nghệ sĩ quốc doanh, hoạt động theo ý Đảng mà không có sáng tạo nghệ thuật gì” (?!). Một số đối tượng khác lại huênh hoang tuyên bố nghệ sĩ chỉ cần đông người hâm mộ (đông fan) mà không cần sự công nhận của Nhà nước, không cần danh hiệu NSND. Đây là những suy nghĩ lệch lạc, phiến diện. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, không ít người đã bị ảo tưởng về hai từ “nghệ sĩ”. Cách đây một vài tháng, nhiều tờ báo trong nước đã đăng các bài viết với chủ đề “nghệ sĩ và bệnh ngáo quyền lực” để phân tích, đánh giá, mổ xẻ thực trạng một bộ phận nghệ sĩ hiện nay. Rõ ràng, không phải ai đông người hâm mộ cũng là nghệ sĩ chân chính, không phải sản phẩm nghệ thuật nào đưa ra cũng có ích cho xã hội. Việc Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND với những trình tự, thủ tục chặt chẽ là để “gạn đục khơi trong”, tìm ra những nghệ sĩ “vừa hồng, vừa chuyên” vừa có đức, vừa có tài để vinh danh cũng là điều hoàn toàn đúng đắn. Dẫu rằng còn có một vài ý kiến khác nhau nhưng chúng ta không thể phủ nhận những NSND được công nhận đều có thực lực, có cống hiến lớn đối với lĩnh vực nghệ thuật mà họ đang theo đuổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nghệ thuật là không có rào cản, không có sự phân biệt vùng miền. Nghệ thuật chân chính phải nhằm mục đích “vị nhân sinh” - vì con người. Những giọng điệu kích động vùng miền, phân chia bè phái trong sáng tạo nghệ thuật suy cho cùng chỉ là những suy nghĩ hẹp hòi, ích kỷ, ảo tưởng. Tuy nhiên, tự do sáng tạo nghệ thuật không có nghĩa là đứng trên pháp luật, xa rời định hướng phát triển đất nước. Hệ thống chính trị ở nước ta đang vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Chính vì vậy, các sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nhằm mục đích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với những nghệ sĩ tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc, đồng thời có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ thì việc được Nhà nước tặng danh hiệu NSND là điều không có gì cần bàn cãi. Ngược lại, với những nghệ sĩ chưa đạt được danh hiệu thì cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực để được ghi nhận. Những giọng điệu hậm hực, “đá thúng, đụng nia”, xuyên tạc việc trao tặng danh hiệu NSND cần nhanh chóng dẹp bỏ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/151743/da-thung-dung-nia