Đà tiến của Nga chững lại, điều gì sẽ giúp Ukraine lật ngược thế cờ đàm phán?
Nhiều ý kiến cho rằng, quân đội Nga có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực và vũ khí vào năm tới. Do vậy, thời điểm hiện nay có thể được coi là giai đoạn lý tưởng nhất kể từ đầu cuộc chiến để gia tăng sức ép lên Moscow, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa đàm đang tắc nghẽn.
Thực tế trên chiến trường cho thấy, Ukraine vẫn "lép vế" trước Nga về năng lực chiến đấu. Châu Âu vẫn đang chật vật để tăng sản lượng vũ khí chuyển giao cho Kiev, trong khi bản thân Ukraine dù đẩy mạnh sản xuất nội địa, vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, hệ thống phòng không và đạn dược. Trên thực địa, cả hai bên đều không thể tạo ra bước đột phá chiến lược. Cuộc chiến ngày càng mang tính tiêu hao, xoay quanh các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái – thứ vũ khí mà Nga lẫn Ukraine đang sử dụng với tần suất và độ chính xác cao hơn.
Vào đêm 23/5, Nga đã tiến hành một trong những đợt không kích lớn nhất trong năm, phóng hơn 250 UAV cảm tử và 14 tên lửa đạn đạo vào thủ đô Kiev và các tỉnh lân cận, theo tuyên bố của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Phía Nga, ngược lại, cho biết đã đánh chặn hơn 700 UAV Ukraine chỉ trong vòng ba ngày, với gần 100 chiếc bị triệt hạ gần thủ đô Moscow.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters
Nhưng các chuyên gia quốc phòng cũng nhấn mạnh, dù có khả năng gây thiệt hại lớn, UAV và tên lửa không thể thay thế hoàn toàn các cuộc giao tranh trên bộ.
“Không một loại vũ khí tầm xa nào có thể giúp hai bên giành thêm quyền kiểm soát lãnh thổ. Cuộc chiến này, suy cho cùng, vẫn sẽ được định đoạt trên mặt đất” - một quan chức NATO khẳng định.
Khả năng duy trì chiến sự trên bộ của Nga
Bất chấp việc Điện Kremlin đã tuyển mộ được số lượng tân binh lớn trong năm nay, khả năng tiến công trên bộ của Nga đang chững lại rõ rệt. Theo ông Jack Watling, chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh trên bộ tại Viện Royal United Services ở London, tốc độ tiến quân của Nga hiện gần như đình trệ, phần lớn do hệ thống phòng thủ dày đặc mà Ukraine đã xây dựng: một vành đai dài hơn 16km đầy mìn, chiến hào và máy bay không người lái tầm ngắn luôn rình rập các mũi tiến công của Nga.
Một quan chức an ninh Ukraine cho biết sự chững lại của quân đội Nga cũng có thể liên quan đến việc Moscow buộc phải phân tán nguồn lực để bảo vệ phần lãnh thổ thuộc khu vực Kursk, nằm sát biên giới Đông Bắc Ukraine.
“Nga gần như không chiếm thêm được phần lãnh thổ nào kể từ khi chiến dịch phản công của Ukraine kết thúc vào năm 2023,” vị quan chức này cho biết. “Dù họ có ưu thế gấp ba lần về quân số, thậm chí còn vượt trội hơn nữa về khí tài nhưng điều đó vẫn là chưa đủ”.
Một bản đánh giá trình lên Quốc hội Mỹ cách đây chưa đầy hai tuần của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA), do Trung tướng Jeffrey Kruse đệ trình, cho thấy Nga đang đạt được những thành tựu quân sự nhỏ với cái giá cực kỳ lớn. Từ tháng 2/2022 đến nay, Nga được cho là đã mất ít nhất 10.000 phương tiện chiến đấu trên bộ, trong đó có hơn 3.000 xe tăng – con số tương đương gần một nửa tổng số xe tăng tác chiến chủ lực trước chiến tranh. Ngoài ra, Moscow cũng đã tổn thất khoảng 250 máy bay và trực thăng, cùng hơn 10 tàu hải quân. Thống kê từ các cơ quan tình báo phương Tây cho biết chỉ trong một năm qua, Nga chiếm thêm được chưa đến 1% diện tích lãnh thổ Ukraine.
“Nhiều khả năng Nga không thể duy trì trạng thái chiến đấu về lâu dài”, Tướng Richard Barrons, nhận định.
Nga hiện sản xuất được ít nhất 200 xe tăng mới mỗi năm, nhưng vẫn phải phụ thuộc vào việc phục hồi các xe tăng thời Liên Xô từ kho dự trữ, ước tính ban đầu có khoảng 13.000 chiếc. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia phương Tây, kho dự trữ này có thể sẽ cạn kiệt trong vài tháng tới. “Người Nga có thể tiếp tục chiến đấu, nhưng lực lượng của họ sẽ ngày càng mất đi năng lực cơ giới hóa. Điều đó đặt ra giới hạn rõ rệt về thời gian mà họ có thể duy trì cách chiến đấu hiện tại”, ông Watling nhận định.
Nếu không có một thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai gần, Nga nhiều khả năng sẽ cố gắng tận dụng khoảng thời gian tiếp theo để tăng cường tấn công, nhằm làm kiệt sức tuyến phòng thủ của Ukraine. Nhưng theo ông Watling và cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Liên hợp của Anh, Tướng Richard Barrons, đây có thể là cơ hội cuối cùng của Moscow.
“Nga đang tiến gần đến giới hạn cuối cùng trong năng lực tiến công. Hiện tại, rất khó để tin rằng quân đội Nga có đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, huấn luyện và hậu cần cần thiết để tiến hành một cuộc tổng tấn công đủ sức xuyên thủng tuyến phòng ngự Ukraine. Thậm chí nếu làm được, họ cũng không có năng lực khai thác thành công bước đột phá đó”, ông Barrons nói.
Ngay cả trong trường hợp giành được thêm lãnh thổ, mục tiêu dài hạn của Điện Kremlin là giành quyền kiểm soát bốn vùng lãnh thổ Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, vẫn nằm ngoài tầm với. Theo bà Dara Massicot, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie, “có sự khác biệt lớn giữa việc đẩy lùi lực lượng Ukraine 5–10 km với cái giá rất đắt, và việc tập hợp đủ lực lượng để xuyên thủng hoàn toàn phòng tuyến, chiếm giữ, kiểm soát và vượt qua mọi chướng ngại vật.
“Tôi không thấy Moscow có khả năng tập trung được nguồn lực như vậy, dù Ukraine hiện đang gặp nhiều khó khăn”, bà Massicot nói.
Các quan chức và chuyên gia phương Tây tin rằng đây chính là thời điểm thích hợp để gia tăng các biện pháp trừng phạt và tiếp tục viện trợ khí tài cho Ukraine: giữa lúc các kho vũ khí thời Liên Xô của Nga đang dần cạn kiệt, buộc Moscow phải ngày càng dựa vào việc sản xuất thêm các khí tài hiện đại.
“Chỉ cần Ukraine ngăn chặn được bước tiến của Nga tới biên giới Donetsk từ nay đến Giáng sinh và các quốc gia tiếp tục các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, Moscow rất có khả năng sẽ lựa chọn ngồi vào bàn đàm phán”, ông Watling nói.
Phản ứng “nước đôi” từ Mỹ
Trong những ngày gần đây, ông Trump dường như đã từ bỏ ý định tăng cường trừng phạt Nga nhằm nhằm buộc Điện Kremlin phải đồng ý với một lệnh ngừng bắn. Thay vì phát đi thông điệp cứng rắn như kỳ vọng, ông Trump đã dành 2 giờ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 19/5, sau đó mô tả cuộc đối thoại này như một “bước mở đầu tích cực” cho các thỏa thuận thương mại song phương.
Trong các phát biểu công khai sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump không đề cập đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga hay viện trợ bổ sung cho Ukraine. Theo một nguồn tin thân cận với các cuộc trao đổi, ông Trump đã nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng nhà lãnh đạo Điện Kremlin có vẻ không có ý định chấm dứt một cuộc chiến mà ông tin rằng vẫn đang diễn ra theo hướng có lợi cho mình.
Ngoại trưởng Marco Rubio, trong phiên điều trần trước Thượng viện tuần này, đã lên tiếng bảo vệ cách tiếp cận thận trọng của ông Trump đối với vấn đề Ukraine. Ông Rubio khẳng định rằng Kiev “vẫn đang nhận được vũ khí và các lô hàng từ Mỹ cũng như các đồng minh” dù chính quyền hiện tại chưa đệ trình yêu cầu tài trợ mới hoặc sử dụng thêm từ kho dự trữ quân sự của Mỹ. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng cho biết Liên minh châu Âu chuẩn bị công bố thêm các biện pháp trừng phạt, trong khi Washington đang nỗ lực tìm kiếm các khẩu đội phòng không Patriot hiếm hoi từ các quốc gia NATO để viện trợ cho Ukraine.
Tuy vậy, cho đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa có cam kết bổ sung nào về viện trợ quân sự hay tài chính cho Ukraine. Thậm chí, một số cố vấn thân cận của ông Trump được cho là đang vận động để “chuyển giao” vai trò điều phối đàm phán hòa bình sang cho châu Âu hoặc thậm chí là Vatican.
Phản bác quan điểm của một thượng nghị sĩ cho rằng ông Putin đang “dắt mũi” ông Trump, ông Rubio nhấn mạnh, tất cả các lệnh trừng phạt áp đặt dưới thời Tổng thống Biden vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng dẫn lại quan điểm của Tổng thống Trump rằng việc đe dọa trừng phạt vào thời điểm hiện tại có thể khiến Moscow ngừng đối thoại.
“Tổng thống Mỹ tin rằng việc duy trì đối thoại sẽ mang lại lợi ích nào đó, chí ít là cơ hội đưa hai bên đến gần bàn đàm phán”, ông Rubio nói.
Những phản ứng trái chiều cũng dần nổi lên trong nội bộ chính quyền Mỹ. Mới đây, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham từ South Carolina và Nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal từ Connecticut đã cùng đề xuất một dự luật lưỡng đảng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các cuộc đàm phán hiện tại và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt chính và thứ cấp nếu Moscow tiếp tục từ chối đàm phán nghiêm túc với Ukraine. Dự luật này đã nhận được đồng thuận từ 81 thượng nghị sĩ khác.
Dự luật bao gồm các biện pháp thuế quan mạnh tay, chẳng hạn mức thuế lên tới 500% đối với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, mua dầu mỏ, khí đốt, uranium và các mặt hàng chiến lược khác từ Nga. Trong tuyên bố đi kèm, bà Graham cho biết Moscow đã đồng ý đưa ra đề xuất ngừng bắn trong vài ngày tới, theo thông tin do ông Rubio cung cấp từ cuộc gặp ở Istanbul.
“Nếu đúng như vậy, Nga cần chuẩn bị đối mặt với một phản ứng cứng rắn từ Thượng viện Mỹ”, bà Graham nói.