Đã xác định được 2 loại ốc làm 1 người chết, 2 người cấp cứu ở Khánh Hòa
Mới đây, Viện Hải dương học Nha Trang thông tin đã xác định loại ốc lạ gây ngộ độc, làm một người chết, hai người nguy kịch ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Theo đó, ngày 12/9/2020, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiếp nhận các mẫu vật ốc biển lạ - trong vụ ngộ độc gây tử vong tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa để xác định tên và độc tố của loài ốc này.
Trước đó, lúc 9h ngày 11/9/2020, 3 ngư dân lặn địa phương bắt được một số ốc biển trên vùng biển huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Sau đó, nhóm ngư dân ghé vào đảo Khải Lương, xã Vạn Thạnh cho một gia đình người quen nửa số ốc đánh bắt được. Số ốc còn lại, 3 ngư dân hấp ăn vào 16h cùng ngày.
Sau khoảng 30 phút, cả 3 người ăn xuất hiện triệu chứng tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Đến 19h, 1 trong số 3 nạn nhân có triệu chứng trở nặng, được đưa vào cấp cứu tại phòng khám Đa khoa khu vực Tu Bông, nhưng được xác nhận đã tử vong trước đó.
Khoảng 1h sáng ngày 12/9/2020, hai nạn nhân còn lại được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh, sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa và đã may mắn qua cơn nguy hiểm. Đối với gia đình ở đảo Khải Lương, do thấy ốc lạ nên chỉ có 2 người ăn vài con và không có biểu hiện triệu chứng ngộ độc.
Nghi ngờ những người trên bị ngộ độc do ăn ốc biển, ngày 12/9/2020, cơ quan y tế Khánh Hòa đã thu thập các mẫu vật ốc còn lại của gia đình ở đảo Khải Lương và chuyển đến Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định tên loài ốc và độc tố của chúng.
Kết quả xác định loài và phân tích thành phần hóa học từ 30 mẫu vật tại phòng thí nghiệm An toàn thực phẩm và môi trường (Khu vực miền Trung) là trong tổng số 30 mẫu vật được phân tích, có 29 mẫu vật được xác định là loài ốc bùn Răng cưa Nassarius papillosus và 01 mẫu vật thuộc loài ốc bùn Bóng Nassarius glans. Đã xác định hàm lượng lớn chất tetrodotoxin xuất hiện trong tất cả các mẫu vật của 02 loài ốc nêu trên.
Tetrodotoxin được biết là độc tố thần kinh, tác động lên hệ thần kinh trung ương của người và động vật bậc cao. Các kết quả nghiên cứu cho thấy chất này "khóa kênh trao đổi ion natri trên màng tế bào thần kinh cơ, làm ngưng quá trình truyền dẫn tín hiệu thần kinh".
Với độc tính cao gấp nhiều lần giới hạn an toàn thực phẩm biển trong mẫu phân tích, ước tính chỉ cần 5-10 cá thể ốc chứa lượng độc tố này có thể gây tử vong cho 01 người bình thường trong vòng 30 phút cho đến vài giờ sau khi ăn.
Do đặc tính bền nhiệt, bền a xít, độc tố tetrodotoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ cao khi chế biến nên có thể tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Triệu chứng ngộ độc do ăn ốc biển độc thường xuất hiện khoảng 30 phút sau khi ăn, bao gồm tê lưỡi, tê môi, chóng mặt, đau đầu, đau thắt vùng bụng, buồn nôn, nôn, nói khó, nuốt khó, mất cân bằng (đi loạng choạng, lảo đảo)...
Trường hợp nặng, nạn nhân co giật, sùi bọt mép, hôn mê và có thể tử vong do liệt cơ hô hấp. Không có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc tetrodotoxin nói chung và do ốc biển độc nói riêng. Cần thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế và nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới các cơ quan y tế gần nhất.