Đã xử lý gần 4.200 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam
Theo thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ TT&TT, đơn vị này đã cảnh báo và hướng dẫn xử lý 4.161 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam.
Theo báo cáo thực hiện Nghị quyết 17/2019 của Chính phủ, Bộ TT&TT nhận định, trong tháng 10/2020 vừa qua, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong tháng 10/2020, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 582 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 0,34% so với cùng kỳ tháng 10 năm ngoái.
Tính chung 10 tháng đầu năm nay, Trung tâm NCSC thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý tổng số 4.161 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, giảm 7,82% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2019.
Trước đó, trong ba tháng 7, 8 và 9/2020, hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cũng ghi nhận số lượng sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam tiếp tục giảm hoặc tăng không nhiều qua các tháng.
Đặc biệt, từ sau khi Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng các doanh nghiệp làm an toàn thông tin trong và ngoài nước bắt đầu triển khai chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” cho đến giữa tháng 10/2020, số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (IP Botnet) đã giảm mạnh, từ hơn 2 triệu xuống còn trên 1,3 triệu.
Trong bảng xếp hạng quốc tế về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019. Trong bảng xếp hạng do Kaspersky công bố, Việt Nam cũng được đánh giá là có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.
Tới đây, Chính phủ sẽ ưu tiên bổ sung biên chế, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thông tin từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan chuyên trách về bảo đảm an toàn thông tin để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý nhanh chóng khi có sự cố mất an toàn thông tin.
Tiếp tục tổ chức các chiến dịch rà quét, xử lý mã độc trên diện rộng. Đẩy mạnh kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin về tấn công mạng, mã độc giữa Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc. Hình thành mạng lưới quốc gia về giám sát, cảnh báo sớm, hỗ trợ xử lý mã độc và tấn công mạng…
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/da-xu-ly-gan-4200-su-co-tan-cong-mang-vao-viet-nam-400645.html