Dabaco đặt mục tiêu lãi hơn 1.000 tỷ đồng năm 2025, tiếp tục mở rộng đầu tư nhiều lĩnh vực
Tập đoàn Dabaco đặt mục tiêu doanh thu hơn 28.700 tỷ đồng và lãi sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng trong năm 2025, đồng thời mở rộng đầu tư nhiều lĩnh vực từ chăn nuôi, vắc xin đến bất động sản, logistics, trong bối cảnh giá lợn hơi tiếp tục duy trì ở mức cao.
Dabaco đặt mục tiêu lãi 1.000 tỷ đồng
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 diễn ra sáng 19/4, ông Nguyễn Như So – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã: DBC) – cho biết giá lợn hơi đang duy trì ở mức cao do nguồn cung đàn nái giảm mạnh sau dịch bệnh. Hiện tổng đàn nái chỉ còn khoảng 1,8 triệu con, thấp hơn nhiều so với nhu cầu khoảng 2,4 triệu con của ngành chăn nuôi.
Theo ông So, giá lợn hơi đã từng lên tới gần 80.000 đồng/kg, hiện duy trì quanh mức 68.000 – 69.000 đồng/kg. Vị Chủ tịch này dự báo tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá cao có thể kéo dài đến hết năm 2026, do quá trình tái đàn cần ít nhất 2–3 năm.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Dabaco Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN
Trong năm 2024, Dabaco ghi nhận doanh thu hợp nhất 24.264 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch năm và tăng 3% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch và tăng gần 31% so với cùng kỳ.
Năm 2025, với giả định giá lợn hơi bình quân ở mức 55.000 đồng/kg và dịch bệnh được kiểm soát, Dabaco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 28.759 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 1.007 tỷ đồng, tăng hơn 31%.
Tầm nhìn dài hạn và các dự án trọng điểm
Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tổng doanh thu 38.000 – 40.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2024. Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2026 – 2030 dự kiến tăng trưởng tối thiểu 7% mỗi năm.
Cuối tháng 3/2025, Dabaco đã khánh thành Nhà máy sản xuất vắc xin Dacovet với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, công suất 200 triệu liều/năm. Đây là nhà máy vắc xin thứ 12 tại Việt Nam và là nơi sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) – Dacovac-ASF2 – đầu tiên trong nước.
Bên cạnh đó, trong năm 2025, Dabaco sẽ triển khai đồng loạt các dự án chăn nuôi công nghệ cao tại Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thái Nguyên, Bắc Kạn; mở rộng Nhà máy ép dầu (giai đoạn II) công suất 1.000 tấn/ngày. Tập đoàn cũng đầu tư mạnh vào bất động sản, logistics với các dự án như Cảng cạn Tân Chi, khu đô thị Vạn An và Trung tâm thương mại Đại Phúc tại Bắc Ninh.
Tại phiên thảo luận, ban lãnh đạo Dabaco cũng cập nhật nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh:
Giá vốn lợn hơi hiện tại dao động 48.000 – 49.000 đồng/kg, trong đó thấp nhất là 46.000 đồng/kg với con giống ba máu và 52.000 đồng/kg với giống hai máu.
Về xuất khẩu vắc xin ASF, Dabaco đang xúc tiến thủ tục với thị trường Philippines. Tuy nhiên, do quy trình phức tạp, thời gian cần thiết để hoàn tất thủ tục xuất khẩu ít nhất 4–6 tháng. Trước mắt, công ty ưu tiên cung ứng vắc xin trong nước và nội bộ. Ngoài ra, Dabaco cũng đang hợp tác nghiên cứu vắc xin lở mồm long móng với đối tác nước ngoài.
Giá bán vắc xin Dacovac-ASF2 dự kiến ở mức 59.000 – 60.000 đồng/liều. Đây là loại vắc xin được USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) chuyển giao công nghệ, có hiệu quả bảo hộ 80–100%, cao hơn hẳn sản phẩm cùng loại.
Về giá thức ăn chăn nuôi, Dabaco cho biết giá đậu tương đang giảm, kéo theo giá nguyên liệu đầu vào giảm. Do đó, công ty cũng điều chỉnh giảm giá bán thành phẩm, dù biên lợi nhuận không cao. Dự kiến năm tới sẽ hoàn thành nhà máy sản xuất thức ăn tại Hà Tĩnh để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Dù lợi nhuận tích cực, Dabaco chỉ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15%, tương ứng hơn 50,2 triệu cổ phiếu. Một số cổ đông đề xuất chia thêm tiền mặt, bởi lần gần nhất công ty chi cổ tức tiền mặt là vào tháng 9/2021, với tỷ lệ 20%.
Chủ tịch Dabaco – ông Nguyễn Như So – cho biết quý I/2025, công ty đã đạt lợi nhuận 500 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm. Nếu quý II tiếp tục khả quan với 400 tỷ đồng lợi nhuận dự kiến, công ty sẽ xin ý kiến cổ đông về chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25%.
Ông So cho biết bản thân cũng mong muốn chia cổ tức tiền mặt do đang là cổ đông lớn nhất (nắm hơn 30% vốn điều lệ), nhưng công ty đang ưu tiên sử dụng lợi nhuận để giảm nợ vay ngân hàng. Được biết, khoản vay mà ông So đề cập là khoản nợ cá nhân dùng để mua cổ phiếu phát hành thêm trong năm 2024.
Theo lãnh đạo DBC, việc xin ý kiến trích 200 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng và phúc lợi được ban lãnh đạo đánh giá là phù hợp với quy mô tập đoàn 7.000 – 8.000 lao động. Đây là chính sách động viên, giữ chân nhân tài sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và hỗ trợ các dự án nghiên cứu.