Thực phẩm chức năng - mảnh đất màu mỡ cho quảng cáo thổi phồng của nghệ sĩ
Thực phẩm chức năng - lĩnh vực tưởng chừng mang đậm yếu tố chăm sóc sức khỏe - đang trở thành 'miền đất hứa' cho những quảng cáo sai sự thật, đặc biệt khi có sự góp mặt của người nổi tiếng. Không chỉ ở showbiz Việt, thực trạng nghệ sĩ ở nhiều quốc gia đã tiếp tay cho những thông tin phóng đại khiến dư luận phẫn nộ. Một số nơi đã thiết lập hành lang pháp lý rõ ràng, buộc nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm khi quảng cáo sai lệch.
Thực phẩm chức năng: Mảnh đất màu mỡ của những lời nói dối
Những ngày qua, nhiều nghệ sĩ Việt Nam bị “réo” tên vì quảng cáo sữa giả, thực phẩm chức năng sai sự thật gây bức xúc, không ít ồn ào của các năm trước được quan tâm trở lại. Hình thức mời nghệ sĩ nổi tiếng quảng bá sản phẩm, nhiều doanh nghiệp và nhà sản xuất đều ồ ạt áp dụng chiến lược này.
Hiệu ứng ngôi sao giúp sản phẩm nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng, mang lại doanh thu khổng lồ cho doanh nghiệp, đồng thời mở ra nguồn thu béo bở cho giới nghệ sĩ.
Khi mức sống người dân tăng cao, đặc biệt là nhóm người cao tuổi ngày càng quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm chức năng cũng vì thế mà tăng mạnh. Nắm bắt xu hướng này, nhiều công ty mời các nghệ sĩ trung niên, có hình ảnh đáng tin cậy, làm gương mặt đại diện cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Tại Trung Quốc, hoạt động quảng bá thường xuyên rơi vào tình trạng phóng đại công dụng, thậm chí là quảng cáo sai sự thật trong bối cảnh thiếu các quy định quản lý chặt chẽ.

Nhiều nghệ sĩ ở tại Trung Quốc bị lên án vì quảng cáo lố thực phẩm chức năng.
Theo chuyên gia, lý do thực phẩm chức năng trở thành lĩnh vực nổi bật trong các vụ nghệ sĩ “vạ miệng” là bởi quy mô thị trường quá lớn, trong khi hành lang pháp lý còn khá lỏng lẻo. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng, các nhà sản xuất không ngần ngại chi tiền mời những "ngôi sao kỳ cựu" làm đại diện, với kỳ vọng đánh vào niềm tin người tiêu dùng và kích thích nhu cầu mua sắm.
Danh hài Quách Đức Cương từng quảng bá cho một loại trà giảm cân. Quảng cáo của sản phẩm này tuyên bố phi thực tế như “đào thải mỡ trong 3 giờ, nhanh chóng đánh tan mỡ bụng”, bị giới truyền thông và cơ quan chức năng chỉ trích nặng nề vì hành vi thổi phồng và sai sự thật. Sản phẩm bị đích danh nêu tên trong chương trình Điểm nóng 315 của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).
Tại Diễn đàn “Quy chuẩn hành vi và trách nhiệm xã hội của người đại diện thương hiệu” do Hiệp hội Quảng cáo Trung Quốc tổ chức năm 2009, diễn viên Hầu Diệu Hoa bị phê bình công khai vì tham gia đến 10 quảng cáo khác nhau, chủ yếu cho các sản phẩm như viên nang dưỡng sinh, thuốc hạ huyết áp, men vi sinh và thiết bị hỗ trợ điều trị.
Năm 2018, một loại rượu thuốc vốn đã nhiều năm liên tục bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm tỉnh Chiết Giang liệt vào danh sách quảng cáo vi phạm pháp luật, nhưng doanh nghiệp sản xuất vẫn tiếp tục phát tán các đoạn quảng cáo có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như Lôi Khắc Sinh, Trương Thiết Lâm - bất chấp các cảnh báo từ cơ quan chức năng.
Từ Mỹ đến Nhật, nghệ sĩ chịu trách nhiệm ra sao?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập những quy định nghiêm ngặt nhằm kiểm soát hoạt động quảng cáo có sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, đặc biệt để ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tại Mỹ, các quảng cáo có người nổi tiếng làm đại diện bắt buộc phải tuân thủ hai nguyên tắc: “lời chứng thực” và “cam kết rõ ràng”. Nghĩa là nghệ sĩ buộc phải thực sự sử dụng sản phẩm và thu được hiệu quả như nội dung quảng cáo. Nếu không đáp ứng điều này, họ có thể bị xử phạt nặng.
Sina viết ở Mỹ, các sản phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng và dược phẩm thường dễ khiến công chúng nghi ngờ vì hiệu quả quảng bá thường vượt xa thực tế. Do đó, phần lớn nghệ sĩ đều tránh xa các hợp đồng quảng cáo thuộc nhóm sản phẩm này để tránh rắc rối pháp lý.

Tại Hàn Quốc, Jang Won Young đang là nghệ sĩ trẻ đắt show quảng cáo.
Hàn Quốc áp dụng mô hình “tiền kiểm” nhằm kiểm soát chặt chẽ tính trung thực trong quảng cáo truyền hình. Dù người nổi tiếng xuất hiện dày đặc trong các quảng cáo, các vụ việc liên quan đến nội dung sai sự thật lại rất hiếm xảy ra.
Nguyên nhân là mọi quảng cáo trước khi được phát sóng đều phải trải qua khâu kiểm duyệt bởi một cơ quan tự quản chuyên trách, gồm hội đồng xây dựng tiêu chuẩn và ba hội đồng thẩm định với thành viên là chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực.
Bất kỳ quảng cáo nào phát sóng khi chưa được duyệt sẽ bị xem là vi phạm pháp luật, và các đơn vị liên quan như công ty quảng cáo, đài truyền hình sẽ đối mặt với án phạt nặng.
Ở Nhật Bản, việc nghệ sĩ tham gia quảng cáo không phải là hiếm. Tuy nhiên, các ngôi sao tại đây nổi tiếng thận trọng. Trước khi nhận lời làm đại sứ cho bất kỳ sản phẩm nào, họ và công ty quản lý thường xem xét kỹ lưỡng không chỉ về mặt thu nhập mà còn cân nhắc đến uy tín của thương hiệu, độ tin cậy của sản phẩm và các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân. Chính sự cẩn trọng này giúp nghệ sĩ Nhật hạn chế tối đa khả năng vướng vào tranh cãi hay ảnh hưởng tiêu cực từ các sản phẩm thiếu minh bạch.
Giáo sư Tống Á Huy (Trường Luật, Đại học Nam Kinh) từng viết, tuy nghệ sĩ không phải là “tác giả chính” của những quảng cáo sai sự thật, với sức ảnh hưởng của họ, mức độ nguy hại mà quảng cáo gây ra cho xã hội sẽ bị khuếch đại, làm lệch lạc hành vi tiêu dùng, phá vỡ quy luật cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Theo ông, kinh tế thị trường là nền kinh tế pháp quyền và việc người nổi tiếng nhận lời quảng cáo cũng có những giới hạn pháp lý rõ ràng. Nếu vượt ranh giới đó, họ phải đối mặt với hậu quả pháp lý tương xứng.
Ông cũng nhấn mạnh: dưới sức hấp dẫn của thù lao cao ngất ngưởng, muốn giải quyết tận gốc những vấn đề trong hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ, điều quan trọng là bản thân họ và ê-kíp phải giữ vững nguyên tắc trung thực, nâng cao nhận thức pháp luật và luôn cẩn trọng trong từng quyết định hợp tác. Chỉ bằng cách hiểu và tuân thủ pháp luật ngay từ đầu, người nổi tiếng mới có thể góp phần xây dựng một thị trường quảng cáo minh bạch, lành mạnh và bền vững.