Dabaco (DBC) lợi nhuận Quý 2 sụt giảm 55%, nợ vay cao gấp 1,4 lần vốn chủ

Dabaco (DBC) ghi nhận lợi nhuận Quý 2 sụt giảm tới 55%. Công ty tăng cường vay nợ ngắn hạn khiến tổng nợ vay cao vượt 1,4 lần vốn chủ sở hữu.

Lãi Quý 2 giảm 55,5%, Dabaco (DBC) chỉ hoàn thành 29,9% kế hoạch cả năm

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 2/2024. Trong đó doanh thu thuần đạt 3.184,7 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế ghi nhận 145,4 tỷ đồng, giảm 55,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận gộp trong Quý 2 đạt 430,5 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp do đó cũng giảm từ 19,1% xuống chỉ còn 13,5%.

 Dabaco (DBC) ghi nhận lợi nhuận Quý 2 giảm tới 55,5%, đi chậm hơn so với kế hoạch cả năm đề ra (Ảnh TL)

Dabaco (DBC) ghi nhận lợi nhuận Quý 2 giảm tới 55,5%, đi chậm hơn so với kế hoạch cả năm đề ra (Ảnh TL)

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 60%, xuống còn 4,7 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng 12,7% lên 80,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10,8% xuống còn 205,5 tỷ đồng.

Có thể thấy lợi nhuận gộp sụt giảm do giá vốn tăng cao là nguyên nhân chính gây nên tình trạng lãi sau thuế "bốc hơi" tới một nửa của Dabaco trong Quý 2/2024.

Lũy kế doanh thu trong nửa đầu năm 2024 đạt 6.437,3 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Lãi sau thuế đạt 218 tỷ đồng, tăng 34,8 lần so với nửa đầu năm 2023.

So với kế hoạch cả năm 2024, doanh thu 25.380 tỷ đồng, lãi sau thuế 729,8 tỷ đồng thì hiện tại Dabaco đã hoàn thành được 25,4% kế hoạch doanh thu cùng 29,9% mục tiêu lợi nhuận năm. Với kết quả này, Dabaco đang đi chậm hơn so với kế hoạch cả năm đã đề ra.

Nợ vay cao gấp 1,4 lần vốn chủ

Về cơ cấu tài sản, tại cuối Quý 2/2024, Dabaco ghi nhận tổng tài sản đạt 13.326,3 tỷ đồng. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 7.402,5 tỷ đồng, tương đương 55,5%.

Tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận ở mức 524,3 tỷ đồng, các khoản tiền gửi nắm giữ đến ngày đáo hạn cũng ở mức 520,7 tỷ đồng. Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn với 5.828,8 tỷ đồng, cao hơn khoảng 300 tỷ so với đầu năm.

Về tài sản dài hạn, đang chiếm 5.923,8 tỷ đồng, phần lớn trong đó là tài sản cố định hữu hình với 4.443,1 tỷ đồng. Tài sản dở dang dài hạn chỉ ghi nhận 679,6 tỷ.

Trong cơ cấu nguồn vốn của Dabaco, nợ phải trả cũng đang chiếm tỷ trọng rất lớn với 8.441 tỷ đồng, tương đương 63,3% tổng nguồn vốn. Trong đó lượng nợ vay ngắn hạn chiếm 5.748,9 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn chiếm 917, tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, tổng lượng nợ vay ngắn hạn đã tăng thêm hơn 900 tỷ.

Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đang ở mức 6.666,6 tỷ đồng, cao gấp 1,4 lần so với vốn chủ sở hữu hiện tại. Điều này cho thấy rõ rủi ro trong hoạt động quản trị nguồn vốn của công ty.

Dòng tiền kinh doanh âm 579,9 tỷ đồng

Kết quả kinh doanh sụt giảm trong Quý 2 năm 2024 đã gây khó khăn đôi chút về dòng tiền cho Dabaco.

Cụ thể, dòng tiền trong kỳ phải chi cho lãi vay 167,9 tỷ đồng, cao gần bằng lợi nhuận sau thuế thu về. Tăng giảm các khoản phải trả cũng khiến dòng tiền âm thêm 666,1 tỷ. Đi cùng với đó là tăng, giảm hàng tồn kho khiến dòng tiền âm thêm 370,3 tỷ đồng.

Kết quả sau 6 tháng đầu năm Dabaco ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 579,9 tỷ đồng.

Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 288,5 tỷ do chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định cùng các tài sản dài hạn khác. Công ty cũng vay thêm 30,9 tỷ để mua công cụ nợ các đơn vị khác.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi nhận ở mức 800,5 tỷ cho thấy công ty đang vay nợ nhiều hơn trước để bù đắp dòng tiền thiếu hụt trong kinh doanh. Cụ thể, Dabaco vay thêm 7.462,9 tỷ nhưng chỉ trả nợ gốc vay 6.589,6 tỷ đồng. Điều này đã kéo theo tổng nợ vay gia tăng đáng kể trong kỳ.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dabaco-dbc-loi-nhuan-quy-2-sut-giam-55-no-vay-cao-gap-14-lan-von-chu-post305983.html