Đặc biệt ấn tượng với cách điều hành phiên chất vấn
Các chuyên gia kinh tế đặc biệt ấn tượng với cách điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội và cho rằng phần trả lời của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành đã thể hiện tinh thần cầu thị, không né tránh các vấn đề cử tri quan tâm.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP):
Chủ tịch Quốc hội trao đổi, giúp cử tri hiểu rõ vấn đề
Theo dõi phiên chất vấn trong 2,5 ngày qua có thể thấy không khí chất vấn, tranh luận rất sôi nổi. Các đại biểu đã tập trung vào đúng nội dung chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến Kỳ họp thứ 4. Các bộ trưởng, trưởng ngành đều thể hiện nắm chắc vấn đề, nêu ra được nhiều giải pháp cho các nội dung được chất vấn.
Tôi đặc biệt ấn tượng với cách điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội. Trước mỗi phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đều nêu rõ định hướng nội dung cần tập trung; kịp thời lưu ý các đại biểu cần bảo đảm về thời gian, chỉ chất vấn một vấn đề thực sự tâm đắc để dành thời gian cho nhiều đại biểu hơn. Chủ tịch Quốc hội còn trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính về đầu tư công và chi thường xuyên, qua đó giúp chính các đại biểu, các cơ quan của Chính phủ, cử tri hiểu rõ được vấn đề.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là giải ngân đầu tư công. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã rất quyết liệt song tỷ lệ giải ngân vẫn còn chậm, mới chỉ đạt trên 50%, trong khi đó khối lượng giải ngân năm nay cực lớn, hơn 700.000 tỷ đồng. Nếu giải ngân đạt mục tiêu 95% kế hoạch sẽ tạo nền tảng rất quan trọng cho tăng trưởng những năm tiếp theo. Tôi rất tán thành ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công, đó là phải cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong phần chuẩn bị đầu tư; tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, xem như là một dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước…
Để giải quyết căn cơ việc chậm giải ngân đầu tư công, chúng ta cần phải có những đột phá trong cách tiếp cận vấn đề, trong cách làm, có phương án quản trị rủi ro. Trong xây dựng kế hoạch dự án, cần có phân tích, đánh giá rủi ro cũng như đánh giá tác động tổng thể, khi đó chúng ta sẽ tránh phải đi giải quyết vấn đề mang tính tình huống như tình trạng thiếu nguyên liệu, thay đổi giá cả… Những giải pháp thí điểm như tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, hay việc quy hoạch đồng bộ giữa tuyến đường giải phóng mặt bằng với quy hoạch các nguồn nguyên phụ liệu cần phải được nâng lên thành quy định chung, sẽ tạo sự chủ động và đẩy nhanh triển khai thực hiện.
Đặc biệt, tôi kỳ vọng ngay tại kỳ họp lần này sẽ thông qua được Luật Đất đai (sửa đổi), mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề. Khi thông qua được Luật này sẽ tạo cơ chế bồi thường mới phù hợp hơn với xu thế phát triển, qua đó giải quyết căn bản công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đó cũng là cách để thúc đẩy đầu tư công.
Để thu hút khu vực tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chúng ta cần chấp nhận có sự rủi ro, có sự đồng hành, chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp nhiều hơn thay vì quá cẩn trọng, chỉ quan tâm đến bảo toàn nguồn vốn, tránh sai sót.
TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế:
Liên kết câu hỏi để có câu trả lời bao trùm
Phiên chất vấn tại kỳ họp này thực sự rất “mở” khi đề cập đến 21 nhóm vấn đề trong 10 nghị quyết về giám sát và chất vấn của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư.
Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội ngắn gọn, đầy đủ, bám sát những biến động về tình hình kinh tế - xã hội, chính trị trong và ngoài nước thời gian qua. Phần trả lời của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành, có những vấn đề trả lời đúng, trúng nhưng cũng có một số nội dung cần rút kinh nghiệm để sâu sát hơn nữa.
Điều làm nên thành công của phiên chất vấn chính là phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội. Xuyên suốt thời gian chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã rất linh hoạt, nắm bắt sâu sát vấn đề. Chủ tịch Quốc hội cũng đã liên kết câu hỏi của đại biểu với lĩnh vực trong ngành này với ngành khác, từ đó đã có những câu trả lời mang tính bao trùm. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu bật những điểm chưa được để các bộ trưởng, trưởng ngành rút kinh nghiệm.
Tại phiên chất vấn, tôi rất quan tâm đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Qua theo dõi, tôi cho rằng có những vấn đề Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời rất sát; song cũng cần xem lại điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng trong phạm vi của Thống đốc đã đúng và đủ chưa. Nếu chưa đủ, thì phải điều chỉnh cho phù hợp với nền kinh tế, nhất là cho năm 2024.
Liên quan đến chất vấn của đại biểu về lộ trình tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, tôi đồng tình với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng chưa thể xóa bỏ trong thời điểm này mà cần phải có lộ trình, thời điểm thích hợp. Để tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, phải đánh giá tổng thể lĩnh vực tài chính, tín dụng của toàn bộ khối ngân hàng và các yếu tố liên quan.
Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, theo tôi quan trọng nhất là cải thiện khả năng tiếp cận vốn. Hiện nay, ngân hàng đặt ra 10 tiêu chí thì mới cho vay, điều này rõ ràng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, cần có những tiêu chí rõ ràng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa xuống cho tất cả các ngân hàng. Ngoài ra, đánh giá 3 năm vừa qua, doanh nghiệp giải ngân, chấp hành thế nào để có những tiêu chí, điều kiện phù hợp để họ có thể tiếp nhận vốn và phát triển.
TS. Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp:
Điều hành linh hoạt, sắc bén và đầy kinh nghiệm
Nhìn chung, chất lượng của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 khá tốt. Các đại biểu Quốc hội đã đặt ra những câu hỏi bám sát thực tiễn. Phần điều hành của Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, sắc bén và phải nói là đầy kinh nghiệm. Phần trả lời của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cũng rất thẳng thắn, không né tránh.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các đại biểu quan tâm đến việc thực hiện yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 62/2022/QH15, đó là: phấn đấu đến hết 2025 có 25.000 hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp và đến 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Về vấn đề này, tôi đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan.
Theo Luật Hợp tác xã 2012, một hợp tác xã phải có ít nhất 7 thành viên và tới đây là 5 thành viên theo Luật Hợp tác xã 2023. Như vậy, mục tiêu 25.000 hợp tác xã chắc chắn sẽ vượt, bởi quy mô nhỏ, dễ thu hút thành viên. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là số lượng hợp tác xã tăng nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động không tăng tương ứng do diện tích hẹp, vốn ít, khó tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản. Các hợp tác xã có nguy cơ thiếu phát triển bền bền vững, bởi các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ có hợp đồng với hợp tác xã khi có khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng ổn định, nông sản có mã vùng, mã số, có truy xuất nguồn gốc - điều này chỉ có được khi các thành viên liên kết chặt chẽ, nếu không thì doanh nghiệp khó “bắt tay” với hợp tác xã, chuỗi cung ứng sẽ rời rạc, đứt gãy.
Để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, cần thay đổi cách phân loại hợp tác xã từ chỗ tốt, khá, trung bình, yếu kém sang phân loại hợp tác xã theo các hình thức: hợp tác để tồn tại, hợp tác để phát triển, hợp tác để hội nhập. Cách phân loại này có tính tích cực và hiệu quả hơn vì hợp tác xã phải gắn với một sản phẩm chủ lực hoặc một số sản phẩm, lấy sản phẩm và giá trị gia tăng của sản phẩm làm thước đo hiệu quả kinh tế.
Các cấp địa phương cần rà soát, đánh giá cho đúng các loại hình hợp tác xã nông nghiệp hiện nay để có chính sách hỗ trợ phát triển đúng, kịp thời. Chính phủ sớm xây dựng, ban hành Nghị định hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ nông dân kịp thời điểm Luật Hợp tác xã năm 2023 có hiệu lực (1.7.2024) để triển khai đồng bộ.
Câu chuyện về hợp tác xã nông nghiệp còn dài, lắm cam go, nhưng không thể ngồi kêu khó, kêu thiếu cơ chế. Điều cần nhất trong lúc này là hành động.