Đặc biệt lo ngại về tác hại của thuốc lá thế hệ mới có chất gây nghiện
Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, chiều 24-3, Quốc hội nghe Báo cáo Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án luật này.
Chỉ ra một số nội dung có xung đột pháp luật giữa dự thảo luật này và Luật Dược năm 2015 về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, nguyên liệu làm thuốc là tiền chất có chứa chất gây nghiện, hướng thần, ĐB Võ Đình Tín (Đắc Nông) nói: “Cùng một việc mà được giao cho 2 bộ (Bộ Công an và Bộ Y tế) là không hợp lý. Đề nghị không quy định vấn đề này trong dự thảo luật PCMT, mà thực hiện thống nhất theo Luật Dược. Trường hợp thấy cần quy định thì chỉ nêu nguyên tắc, dẫn chiếu sang Luật Dược”.
Cũng bày tỏ quan tâm đến các hoạt động được coi là hợp pháp trong lĩnh vực này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phản ánh, thực tế đã xảy ra hiện tượng các đối tượng lợi dụng để sản xuất ma túy trá hình.
“Hoạt động này cần phải kiểm soát chặt hơn, với sự tham gia của nhiều bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trách nhiệm của từng bộ, từng cơ quan phải rất rõ”, ĐB nhận định. Đặc biệt, một khoảng trống trong kiểm soát việc sản xuất thuốc thú y được ĐB Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ. Theo đó, dự thảo Luật này dẫn chiếu sang Luật Thú y, nhưng “Luật Thú y và cả Luật Chăn nuôi cũng không có quy định nào liên quan. Hiện chỉ có một Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, như vậy là không đủ căn cứ pháp lý. Đề nghị Luật PCMT giao cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm quyền ra hướng dẫn cụ thể”.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường cũng quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em và người chưa thành niên khi được đi cai nghiện. ĐB đề nghị Luật quy định phải có sự tham gia, ý kiến của cha mẹ, người giám hộ trong quá trình lập hồ sơ đưa đi cai nghiện. Việc bố trí các khu vực riêng cho các đối tượng khác nhau (nam, nữ; người mắc bệnh truyền nhiễm; người đang chịu tráchn hiệm hình sự…) tại các cơ sở tự nguyện cũng phải được quy định rõ.
Đặc biệt lo ngại về tác hại của thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) bức xúc: “Các loại thuốc này nhắm tới giới trẻ, thúc đẩy họ sa vào con đường nghiện ngập, gặm nhấm tinh anh của họ, trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang im lặng đến khó hiểu”. ĐB đề nghị dự thảo Luật phải “tạo ra một vắc xin đủ mạnh để bảo vệ thế hệ trẻ”.
Có cùng quan điểm về tác hại của thuốc lá điện tử với những thành phần độc hại gây nghiện và khiến người sử dụng lệ thuộc, ĐB, bác sĩ Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị nghiêm cấm tuyệt đối sản xuất, nhập khẩu, lưu thông thuốc lá thế hệ mới. Ông cũng hết sức quan ngại về thực trạng lái xe sử dụng ma túy, gây ra những hậu quả nặng nề, thảm khốc và đề nghị Luật PCMT phải góp phần ngăn chặn việc này. Bên cạnh việc kiểm tra sức khỏe định kỳ (có xét nghiệm ma túy), ĐB đề nghị áp dụng hình thức kiểm tra đột xuất với địa điểm lấy mẫu thay đổi, để kịp thời phát hiện các hành vi sai trái liên quan đến sử dụng ma túy của lái xe.