Đặc điểm nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Xem xét các bước chuyển của một nền kinh tế từ sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang sản xuất công nghiệp, đây là những đặc điểm thường thấy trong các nước đang phát triển.

* Lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn đầu của công nghiệp hóa ở mỗi quốc gia.

Ở hầu hết các nước khi bước vào công nghiệp hóa, lao động chủ yếu tập trung trong khu vực truyền thống (khu vực nông nghiệp), sản xuất lương thực, đảm bảo sự sinh tồn của dân cư. Đây cũng là đặc trưng của các nước đang phát triển: Trên 65% dân số của các nước này sống ở nông thôn và tỷ lệ tham gia vào sản xuất nông nghiệp cũng chiếm 65% - 70% tổng lao động xã hội, thậm chí ở một số nước tỷ lệ này còn cao hơn. Lý do cơ bản cho việc tập trung nhân lực và vật lực vào sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển là ở chỗ năng suất lao động thấp, trình độ phân công lao động xã hội không cao. Tình trạng này buộc người dân phải bám chặt vào đồng ruộng, nơi sản xuất ra những sản phẩm tất yếu để duy trì "cái ăn" của xã hội. Vì vậy, công nghiệp hóa là con đường hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và giải phóng một lực lượng lao động đáng kể trong khu vực này sang phát triển ngành sản xuất khác.

Ở nước ta, năm 2005 lao động nông thôn chiếm 75% lực lượng lao động cả nước. Hiện nay, tính đến hết quý I/2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 55,4 triệu người; trong đó lao động nông thôn chiếm 66,6%. Cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm chia theo khu vực kinh tế là 35,4% đối với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; 28,6% đối với ngành công nghiệp, xây dựng; 36% đối với ngành dịch vụ. Trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đã có sự di chuyển đáng kể lao động nông thôn ra thành thị và có sự dịch chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành khác. Tuy nhiên, tỷ lệ lực lượng lao động nông thôn nói chung và lao động nông nghiệp nói riêng vẫn cao. Đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.

* Lao động nông nghiệp mang tính thời vụ cao.

Một trong những nguyên nhân khiến cho việc trồng lúa nước cần một lực lượng lao động lớn là do tính thời vụ rất cao của cây lúa nước. Tính chất đặc thù của sản xuất nông nghiệp đã dẫn đến lượng "cầu" về lao động nông nghiệp có biên độ dao động rất lớn giữa các kỳ thu hoạch. Kết quả là một lượng lao động làm nông nghiệp trở nên nhàn rỗi khi hết vụ. Chính đặc điểm này đã ảnh hưởng lớn đến mức độ sử dụng lao động trong khu vực nông thôn.

Ở nước ta, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị cao hơn ở nông thôn, nhưng ở nông thôn, tỷ lệ thiếu việc làm luôn cao gấp 3 lần ở thành thị. Đến thời điểm quý I/2019, tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở thành thị là 0,59%, nông thôn là 1,41%. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tương ứng là 0,6% và 1,53%. Đây chính là yếu tố mùa vụ của lao động nông nghiệp.

* Lao động nông nghiệp mang tính chất thủ công nặng nhọc hơn so với các ngành kinh tế khác, nhất là thời kỳ công nghiệp hóa.

Tính chất này bị chi phối trước hết do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp là gắn với tự nhiên, chịu sự tác động của các điều kiện tự nhiên. Hơn nữa, đối tượng của sản xuất nông nghiệp lại là những sinh vật sống, do đó đòi hỏi phải có sự chăm sóc tỉ mỉ và theo công nghệ hoàn toàn khác biệt so với những ngành sản xuất khác. Lao động nông thôn làm việc trong những điều kiện khó khăn hơn so với lao động làm việc trong các khu vực khác do phải chịu tác động trực tiếp của những biến động khí hậu khắc nghiệt và thiên tai của thiên nhiên. Mặt khác, trong sản xuất nông nghiệp, đất đai là yếu tố chính, giữ vai trò quyết định. Quy mô đất đai của một nước là cơ sở để hình thành những kỹ thuật canh tác có thể sử dụng được. Cũng chính quy mô đất đai đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ giới hóa nông nghiệp. Sự manh mún của đất đai, trình độ phát triển kinh tế còn thấp kém là những cản trở chính để áp dụng máy móc và những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Ở nước ta, trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn còn thấp, ít được đào tạo có bài bản và hệ thống, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Đây là nguyên nhân của vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta vẫn đang trong tình trạng mâu thuẫn giữa yêu cầu của hiện đại hóa với lực lượng lao động dư thừa quá lớn ở nông thôn, cần phải được giải quyết trong thời gian tới.

* Chất lượng lao động nông thôn.

Do những nguyên nhân lịch sử, kinh tế sâu xa cùng với nền sản xuất lúa nước là liên kết những người dân sống ở nông thôn thành một cộng đồng theo kiểu "tập đoàn", hình thành một lực lượng lao động với bản sắc văn hóa độc đáo, với truyền thống đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, có phẩm chất cần cù, chịu khó, thông minh và gắn bó với quê hương đất nước... Đó là những tố chất quan trọng mà các nhà quản lý cần vận dụng và phát huy khi sử dụng nguồn nhân lực ở nông thôn. Tuy nhiên, cũng còn có nhiều hạn chế chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đó là:

Tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai, chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế. Kỷ luật lao động của người Việt Nam nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của quá trình sản xuất công nghiệp. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp. Phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, nông nghiệp, mang nặng tác phong sản xuất của một nền nông nghiệp tiểu nông. Người lao động chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, không có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm làm việc.

Những đặc điểm trên của người lao động nông thôn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Đặng Thị Tố Tâm

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/dac-diem-nguon-nhan-luc-nong-nghiep-nong-thon-trong-giai-doan-dau-qua-trinh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-z36n20191115085847279.htm