Đặc phái viên Mỹ thăm Ukraine thúc đẩy thỏa thuận hòa bình

Chuyến thăm của ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra ngay sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Arab Saudi là một tính toán rất khôn ngoan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

VOV phỏng vấn phóng viên Thu Hà, thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Nga về vấn đề Đặc phái viên Mỹ thăm Ukraine thúc đẩy thỏa thuận hòa bình.

PV: Thưa chị, chuyến thăm của đặc phái viên về Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là để tham vấn lập trường của Ukraine sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Saudi Arabia. Vậy Ukraine có nhìn nhận như thế nào về 4 điểm quan trọng mà Nga và Mỹ đạt được tại Saudi Arabia?

Phóng viên Thu Hà: Trước hết tôi cho rằng chuyến thăm của ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra ngay sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Arab Saudi là một tính toán rất khôn ngoan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông không mời phía Ukraine tham gia đàm phán vì biết rằng, lập trường của Nga và Ukraine hiện đang quá xa nhau, nếu để cả Nga và Ukraine cùng tham gia ngay từ cuộc đàm phán đầu tiên thì có thể mục tiêu kết thúc cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ gặp khó khăn ngay từ đầu, nếu không nói là có thể không thực hiện được.

Bởi vậy, tôi cho rằng để đại diện Nga và Mỹ "ngồi" với nhau trước là tính toán kỹ lưỡng, mọi việc phải thực hiện từng bước. Mặc dù không mời phía Ukraine tham gia đàm phán tại Saudi Arabia, nhưng ông Donald Trump đã cử ông Keith Kellogg, người hiểu về cuộc xung đột Nga - Ukraine rõ nhất, trực tiếp đến Ukraine để tham vấn lập trường của Ukraine.

Ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ông Keith Kellogg, đặc phái viên về Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ngay sau cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ tại Saudi Arabia, Tổng thống Ukraine Zelensky đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với các thỏa thuận đạt được mà không có sự tham gia của Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào từ Nga. Ông chỉ trích việc tổ chức các cuộc đàm phán mà không có sự tham gia của Ukraine, cho rằng điều này là "không thể chấp nhận được".

Việc khôi phục hoạt động của các đại sứ quán Nga và Mỹ, cũng như việc bổ nhiệm đội ngũ đàm phán cấp cao để tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đã được thảo luận mà không có sự hiện diện của phía Ukraine. Điều này khiến Kiev lo ngại về khả năng các quyết định quan trọng liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine được đưa ra mà không có sự đồng thuận của họ.

Tổng thống Zelensky cũng ngay lập tức hủy chuyến thăm tới Saudi Arabia dự kiến vào ngày 19/2 vì cho rằng chuyến thăm có thể là sự "hợp pháp hóa" các cuộc đàm phán mà Ukraine không được mời. Ông nhấn mạnh rằng hòa bình không thể đạt được thông qua các cuộc đàm phán "diễn ra sau lưng Ukraine". Đồng thời, Ukraine sẽ không chấp nhận kết quả của các cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh với Nga nếu không có sự tham gia của Ukraine.

PV: Trước thềm chuyến thăm, ông Keith Kellogg đã tuyên bố rằng Ukraine mới là bên quyết định cuối cùng đối với bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến cuộc xung đột tại quốc gia này. Theo chị, Ukraine sẽ theo đuổi lập trường này như thế nào trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, và Ukraine liệu sẽ chịu sức ép nào trong việc theo đuổi lập trường của mình?

Phóng viên Thu Hà: Thời gian qua, Ukraine kiên quyết duy trì lập trường về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến Ukraine phải được thực hiện với sự tham gia và đồng thuận của quốc gia này. Ông nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào từ Nga và quyết định về tương lai của Ukraine phải do chính người dân và chính phủ Ukraine đưa ra, không thể bị áp đặt từ bên ngoài.

Để bảo vệ lập trường này, Ukraine đang tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán và tiếp xúc ngoại giao. Ukraine cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ và đảm bảo an ninh từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu, để củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán và đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ngoài ra, ông Zelensky yêu cầu Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ nên tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các đảm bảo an ninh và bắt đầu bằng việc trao đổi tù nhân. Ông kiên quyết từ chối việc công nhận các lãnh thổ bị Nga chiếm đóng là một phần của Nga.

Tổng thống Zelensky cũng tuyên bố rằng ông sẽ tìm cách giành lại các thị trấn và làng mạc bị chiếm đóng ở miền đông và miền nam Ukraine bằng con đường ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh rằng: "những vùng đất này sẽ là của Ukraine, không thể có sự thỏa hiệp".

Tuy nhiên, Ukraine đang phải đối mặt với sức ép từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất một số nhượng bộ đối với Nga, bao gồm việc loại trừ khả năng Ukraine gia nhập NATO và chấp nhận việc Nga kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine. Điều này đã gây lo ngại tại Kiev về việc bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán quan trọng liên quan đến tương lai của đất nước.

Một sức ép nữa đó là, Tổng thống Donald Trump đang đặt Tổng thống Zelensky trước hai lựa chọn: hoặc là để Washington tiếp cận nguồn khoáng sản của Ukraine hoặc là đánh mất vị thế trên bàn đàm phán với Nga nếu thiếu đi sự hậu thuẫn từ Mỹ. Ông Donald Trump yêu cầu Ukraine "hoàn trả khoản nợ viện trợ" mà chính quyền Mỹ đã cung cấp cho nước này. Con số 500 tỷ USD mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra có thể được quy đổi thông qua tài nguyên đất hiếm dồi dào mà Ukraine hiện đang sở hữu.

PV: Ông Kellogg đến Ukraine mang theo những đề xuất về hỗ trợ ngoại giao và quân sự. Trước ông Kellogg, mới chỉ có một quan chức trong chính quyền của ông Donald Trump tới thăm Ukraine là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent với một thỏa thuận hỗ trợ kinh tế - nhưng Ukraine cuối cùng đã không ký. Vậy chị nhận định như thế nào về khả năng Mỹ và Ukraine đạt được các thỏa thuận hỗ trợ trong chuyến thăm này của ông Kellogg?

Phóng viên Thu Hà: Nhiều chuyên gia nhận định rằng trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kellogg là người có thái độ thân thiện nhất với Ukraine, mặc dù ông không hoàn toàn ủng hộ tất cả các điều kiện mà Kiev đưa ra cho một nền hòa bình thực sự và bền vững. Ông Kellogg cũng được đánh giá là một trong những người giàu kinh nghiệm nhất trong đội ngũ đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một nhân vật có kinh nghiệm quân sự sâu rộng và tiếp cận thực tế trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ông biết cân bằng giữa việc tôn trọng lợi ích quốc gia của Ukraine và lắng nghe ý kiến từ Ủy ban châu Âu. Ông Kellogg đến Kiev mang theo sự hiểu biết sâu rộng và sự khôn ngoan đối với lợi ích của Kiev và Liên minh châu Âu.

Ông Kellogg đến Ukraine để gặp Tổng thống Zelensky, nhằm tiếp tục các cuộc thảo luận đã bắt đầu tại Hội nghị An ninh Munich. Theo đề xuất của ông, Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine và cung cấp đảm bảo an ninh cho Ukraine để ngăn chặn những cuộc tấn công tiềm tàng trong tương lai. Kế hoạch này không nói đến việc giảm quy mô quân đội Ukraine hay công nhận các lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát là của phía Nga.

Vào thời điểm hiện tại và trong chuyến thăm này của ông Kellogg, rất khó để Mỹ và Ukraine có thể đạt được các thỏa thuận hỗ trợ.

PV: Cảm ơn phóng viên Thu Hà với những phân tích vừa rồi!

Thu Hà/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dac-phai-vien-my-tham-ukraine-thuc-day-thoa-thuan-hoa-binh-post1156248.vov