Đặc quyền ngôi sao
Việc thi tuyển biên chế mập mờ của Dịch Dương Thiên Tỉ là giọt nước tràn ly khiến dư luận phẫn nộ. Công chúng kêu gọi chấm dứt đặc quyền của nghệ sĩ trong mọi mặt đời sống.
Dịch Dương Thiên Tỉ là cái tên chiếm sóng mạng xã hội Trung Quốc hơn một tuần qua với hàng loạt cáo buộc tiêu cực về đời tư. Nam diễn viên vướng scandal "đi cửa sau" trong kỳ thi vào biên chế nhà nước và nhập học cấp 3.
Sự việc của Dịch Dương Thiên Tỉ dấy lên làn sóng phẫn nộ về vấn đề nghệ sĩ được hưởng quá nhiều đặc quyền, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong xã hội.
Chạm đến bất bình của người Trung Quốc
Trung Quốc vốn nổi tiếng là quốc gia có kỳ thi công chức khắc nghiệt. Nghiên cứu chỉ ra kỳ thi công chức có tác động thay đổi tương lai của một người. Có hàng nghìn sĩ tử tựu về thành phố, đổ số tiền lớn để chuẩn bị cho kỳ thi vào biên chế nhà nước mỗi năm.
Việc Dịch Dương Thiên Tỉ cùng hai nghệ sĩ trẻ là La Nhất Châu, Hồ Tiên Hú thi vào biên chế Nhà hát kịch quốc gia Trung Quốc gây chú ý, nhưng theo hướng tiêu cực. Quá trình thi cử của họ gây bức xúc dư luận vì không rõ ràng, có dấu hiệu gian lận.
Theo Sina, Nhà hát kịch quốc gia Trung Quốc được cho là thay đổi quy định thi vào đầu năm nay để mở đường cho các ngôi sao trẻ. Ba diễn viên trên không phải thi viết, chỉ cần thông qua vòng phỏng vấn. Do đã hoạt động lâu năm trong ngành, có hồ sơ đẹp và thành tích tốt, họ đỗ vào biên chế Nhà hát kịch quốc gia.
Gần đây, thí sinh Đường Giải Nguyên tố cáo quy trình thi biên chế khuất tất của Nhà hát kịch quốc gia Trung Quốc và ba nghệ sĩ trẻ. Anh thắc mắc tại sao không được thông báo về kết quả thi vòng một.
Trong khi chờ kết quả vòng một, Đường Giải Nguyên nhận thông tin kỳ thi tuyển đã kết thúc, khiến anh không kịp khiếu nại. Các ứng viên khác cũng cho biết họ không nhìn thấy Dịch Dương Thiên Tỉ và hai nghệ sĩ trẻ nói trên tham gia buổi phỏng vấn trực tiếp ở vòng 3.
Trước cáo buộc đặc cách thi cử cho người nổi tiếng, Nhà hát kịch quốc gia Trung Quốc phản hồi: "Những người có tên trong danh sách vẫn đang ở giai đoạn công khai, chưa trúng tuyển. Trong thời gian công khai nếu xảy ra tranh cãi, sẽ báo cáo lãnh đạo và trình lên cấp trên phê duyệt lại".
Theo 163, việc thi biên chế vào các cơ quan nhà nước Trung Quốc vốn khắt khe. Việc Nhà hát kịch quốc gia thay đổi quy chế bị đánh giá là bất cập, tạo điều kiện thuận lợi quá mức cho các ngôi sao trẻ khi họ vừa tốt nghiệp đại học, chưa có bằng thạc sĩ.
Nguồn tin bình luận thêm theo quy định, nhân viên công vụ không được phép nhận công việc ngoài, làm thêm và không là nhân viên tại chức của doanh nghiệp khác. Xét về tiêu chí này Dịch Dương Thiên Tỉ, La Nhất Châu và Hồ Tiên Hú không đủ điều kiện vào biên chế nhà nước.
Ba cái tên nói trên đều ký hợp đồng quản lý với các công ty giải trí lớn, từng đầu tư mở doanh nghiệp riêng. Bên cạnh ngành nghệ thuật, họ còn kiếm tiền qua việc tham gia show truyền hình, dự sự kiện thương mại và quay quảng cáo.
"Có quá nhiều bất thường trong kỳ thi biên chế của Dịch Dương Thiên Tỉ và hai ngôi sao kia", "Họ không tôn trọng sự công bằng", "Ba nghệ sĩ trẻ có thể là nhân tài, nhưng sẽ công bằng hơn nếu tiêu chuẩn thi tuyển ngang với người khác", "Tôi cảm thấy bị xúc phạm khi sự chăm chỉ của bản thân không bằng những người lấy danh nghệ sĩ làm con đường tắt vào biên chế", cư dân mạng thể hiện sự phản đối.
Theo Sina, vụ scandal khiến ba nghệ sĩ trẻ hứng cơn thịnh nộ từ dư luận. Trong đó, Dịch Dương Thiên Tỉ bị tẩy chay dữ dội. Ngôi sao sinh năm 2000 vướng nghi vấn trốn thuế, sử dụng quyền lực ngầm để được ưu ái trong thi cử từ năm cấp 3.
Theo iFeng, nam diễn viên thuộc thế hệ 10X đã mất hơn 60.000 fans trên mạng xã hội Weibo. Sự im lặng của Dịch Dương Thiên Tỉ được đánh giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh nam diễn viên.
Người nổi tiếng lạm quyền
iFeng cho rằng nghệ sĩ có nguồn vốn văn hóa, mối quan hệ xã hội dồi dào, và những đặc quyền đặc lợi khác biệt. Trải nghiệm cuộc sống của họ không giống người bình thường dù bao lần nói rằng "chúng ta chung hoàn cảnh".
Sohu bình luận giới nghệ sĩ Trung Quốc nắm đằng chuôi trong ngành giải trí. Họ có quyền lực vượt trên cả đạo diễn, biên kịch. Theo trang tin, ở xứ tỷ dân, nhà sản xuất là người phải dỗ dành, đáp ứng vô điều kiện yêu sách từ người nổi tiếng, trái ngược với nền giải trí Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Nghệ sĩ Hoa ngữ được quyền quyết định việc xuất hiện hay đóng phim chung với ai, giờ giấc làm việc, nhận cát-xê bao nhiêu, chế độ đãi ngộ ra sao cho đến vị trí đứng khi chụp ảnh, thứ tự tên ghi trên poster.
Theo Sina, thực trạng nghệ sĩ được trao nhiều đặc quyền là vấn đề nhức nhối những năm qua ở Trung Quốc. Hệ quả của việc ưu ái quá đà những người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực thể thao và nghệ thuật được "phản hồi" bằng hàng loạt vấn nạn, bê bối chấn động.
Sự dễ dãi một thời trong việc kiểm soát hoạt động biến ngành giải trí Trung Quốc thành thiên đường trốn thuế cho giới nghệ sĩ. Thời gian qua, hàng loạt cái tên như Phạm Băng Băng, Trịnh Sảng, Vi Á, Đặng Luân, Viên Băng Nghiên... bị phanh phui hành vi gian lận thuế quan.
Ví như trường hợp của Trịnh Sảng. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nữ diễn viên vướng nhiều scandal. Cô bị chỉ trích thái độ thiếu chuyên nghiệp, bỏ phim trường, bỏ vai nếu không muốn diễn. Trịnh Sảng thú nhận nếu bị đạo diễn bắt ép, cô sẽ khóc lóc và bỏ về.
Dù vậy, Trịnh Sảng vẫn được người hâm mộ tung hô, các nhà sản xuất ưu ái trao vai nữ chính, với mức cát-xê "đóng phim 2 ngày mua được penthouse". Trong bản hợp đồng phim ảnh được tiết lộ, Trịnh Sảng thậm chí có quyền yêu cầu bạn diễn đóng chung, đạo diễn.
Sina bình luận quyền lực của Trịnh Sảng trên phim trường chỉ xếp sau nhà đầu tư. Chính những đặc quyền này khiến nữ diễn viên làm việc qua loa, bất chấp gây ra những hành vi phạm pháp và trái đạo đức như trốn thuế, bỏ rơi hai con nhỏ.
Ngô Diệc Phàm cũng có đời tư bị bê bối bủa vây, thái độ làm việc như "ông hoàng". Tuy nhiên, nhờ sức mạnh từ các mối quan hệ ở hậu trường, nam ca sĩ là cái tên bất khả đụng chạm trong showbiz Trung Quốc.
Nhà sản xuất chương trình 18 tầng kỳ lâu từng tố Ngô Diệc Phàm kiêu căng, ngạo mạn. Họ trả cho giọng ca Like that 12,3 triệu USD tiền thù lao. Nhưng để đổi lấy sự hợp tác từ Ngô Diệc Phàm, ê-kíp phải chi thêm 900.000 USD đưa mẹ anh đi mua sắm.
Vài năm trở lại đây, tình trạng ngôi sao hoành hành trên phim trường cũng bị lên án. Họ lạm quyền, “nhúng tay” thay đổi kịch bản, tạo hình theo ý thích của bản thân khiến giới làm phim bất lực chịu trận. Chưa kể nhiều người còn có thái độ thiếu chuyên nghiệp, ỷ lại vào diễn viên đóng thế, người lồng tiếng.
Lưu Diệc Phi và Tỉnh Bách Nhiên bị tố tự ý đưa biên kịch riêng vào đoàn phim Nam yên trai bút lục, xào nấu lại toàn bộ kịch bản cho dễ diễn khiến đạo diễn “nóng mặt”. Cúc Tịnh Y hay Mạnh Tử Nghĩa bị chỉ trích dữ dội vì tùy tiện thay đổi trang phục, hóa trang để trắng trẻo, xinh xắn hơn khi lên hình. Angelababy lạm dụng thế thân vô tội vạ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dac-quyen-ngoi-sao-post1334663.html