Đặc sắc lễ hội cầu ngư Festival Biển 2023
Chiều 3/6, tại Nha Trang đã diễn ra lễ hội cầu ngư, một lễ hội truyền thống trong các kỳ Festival Biển. Theo nhà nghiên cứu Tứ Hải, lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải.
Ông Nam Hải là cách gọi trang nghiêm của người dân vùng biển miền Nam Trung Bộ dành cho cá voi - loài cá tượng trưng cho điềm lành với thân hình to lớn, thường cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển. Người dân xem cá voi là một trong những vị thần biển linh thiêng. Khi cá chết trôi dạt vào bờ, dân làng chài thường làm tang lễ long trọng và thờ ở Lăng Ông.
Có 400 người dân là cư dân thuộc hai phường Vĩnh Nguyên và Vĩnh Trường, sinh sống bằng nghề biển đã tham gia vào lễ hội chia thành hai đội. Hai đội chia làm hai hướng khác nhau trên đường Trần Phú, cùng tiến về lễ đài chính tại sân khấu Tuệ Tĩnh.
Mỗi đoàn đi trước là đội múa rồng, múa lân với những động thái múa vô cùng uyển chuyển, tạo không khí lễ hội. Một chiếc thuyền được đưa theo cùng tượng trưng cho mùa màng đáng bắt, tiếp theo sau là trai tráng với những mái chèo, vừa đi vừa biểu diễn Hò bá trạo chèo thuyền. Những tay trống cũng vừa đi vừa thúc dục như hối thúc đoàn thuyền ra khơi gặt hái được thắng lợi. Trong lễ hội, có những thiếu nữ và cả phụ nữ lớn tuổi cùng tham gia với các bộ trang phục rực rỡ…
Lễ hội cầu ngư Nha Trang Khánh Hòa là lễ hội thường được tổ chức vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, mang tính chất thờ phụng, cầu bình an và bảo vệ loài cá voi. Đối với người dân vùng biển Nha Trang, cá voi là loài cá quý hiếm, thường hay giúp đỡ tàu bè, ngư dân trong cơn giông bão của biển cả nên loài cá này được coi như hóa thân của thần biển. Cộng thêm truyền thuyết từ mấy trăm năm, ngư dân Nha Trang lại càng coi việc thờ cúng loài cá này là việc hết sức quan trọng, phải thật thành kính. Họ gọi cá voi là cá Ông hoặc Ông Nam Hải.
Hiện các làng biển tại Nha Trang như Vĩnh Trường, VĩnhNnguyên có các “đình” lưu giữ các bộ xương cá voi. Riêng phường Vĩnh Nguyên có Đình Trường Đông có niên đại xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX.
Đình là nơi để người dân thờ Thành Hoàng, ông Nam Hải, Ngũ Hành, Tiền hiền, Hậu hiền, Thiên Y Ana... Đình có diện tích hơn 1.124 m2, với nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, đình, lăng, miếu.Hiện đình còn lưu giữ được khá nhiều sắc phong của các vua triều Nguyễn, câu đối, tư liệu Hán Nôm, long đình, lọng, chiêng, trống, thanh la… Năm 2010, đình Trường Đông được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/dac-sac-le-hoi-cau-ngu-festival-bien-2023-686412.html