Đặc sắc Lễ hội đền Tranh

Với những nghi lễ độc đáo, mang đậm giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, Lễ hội đền Tranh đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tranh đón nhiều du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái (ảnh: Thành Chung)

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tranh đón nhiều du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái (ảnh: Thành Chung)

Xuân 2023 này, người dân huyện Ninh Giang đón nhận niềm vui lớn khi Lễ hội đền Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Huyền tích ly kỳ

Đền Tranh ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) là công trình kiến trúc cổ, gắn liền với nhân vật Quan lớn Tuần Tranh, là một vị Thủy thần, con thứ năm của vua Thủy tề. Theo truyền thuyết, xưa kia ở làng Lạc Dục (Tứ Kỳ) có 2 vợ chồng nhà nghèo, đã già mà chưa có con. Một hôm, người chồng cuốc vườn, bắt được hai quả trứng, tưởng là trứng chim nên cất cẩn thận. Về sau lại nở ra hai con rắn. Một hôm, người chồng cuốc đất, một con rắn nhảy vào đùa nghịch, bị cuốc cụt đuôi. Tuy nhiên, con rắn chỉ ăn gà. Người chồng đi ăn cắp gà cho chúng ăn nhiều, sau sợ hàng xóm biết phải tội nên đành phải mang vứt xuống sông Tranh. Một hôm có công chúa muốn qua sông, nhưng nước xoáy dữ, thuyền không qua được. Sau theo lời quan, dân sở tại đòi hai vợ chồng ông già đến hỏi chuyện. Bà lão sợ hãi bèn lấy hai nắm cơm vứt xuống sông và nói rằng: "Con ơi, con có thương mẹ thì đừng nổi sóng nữa để mẹ khỏi tội". Nói vừa xong thì sóng yên lặng.

Có ông quan Phủ tên là Trịnh Thường Quân được phân công về Ninh Giang. Ông lấy một người vợ lẽ đẹp lắm. Một hôm bà đi chơi thuyền trên sông Tranh, gặp một người dưới nước lên đòi lấy bà làm vợ. Bà nhất định không nghe. Đến đêm về, đang ngủ, vẫn thấy người đó hiện vào phòng, nhất định đòi lấy. Bà đem chuyện này nói với quan Phủ. Quan Phủ cũng lấy làm lạ, nên phòng giữ cẩn thận. Một hôm, ngài có việc quan đi vắng, đến lúc về thì thấy buồng không.

Quan Phủ lấy làm phiền lắm, bèn từ chức, ngày ngày ra bờ sông Tranh tìm vợ. Sau gặp một ông Tiên tên là Quỷ Cốc mách rằng bà Phủ đã bị hoàng tử thứ 5 của vua Thủy tề bắt xuống làm vợ rồi. Sau đó, nhờ Tiên Quỷ Cốc kêu giúp, vua Thủy tề cho cả hai vợ chồng về đoàn tụ và bắt hoàng tử thứ 5 đem đày ra sông Tranh. Từ đó, dân hai bên bờ sông thấy nhiều điều kỳ dị, nên lập đền thờ, gọi là đền Tranh, dân quanh bến, hoặc thuyền bè xuôi ngược qua đây, nếu gặp sóng gió đều khấn cầu, sóng gió sẽ êm.

Lễ rước nước tại Lễ hội truyền thống đền Tranh (ảnh tư liệu)

Lễ rước nước tại Lễ hội truyền thống đền Tranh (ảnh tư liệu)

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 4.4.2022, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định đưa Lễ hội truyền thống đền Tranh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau Lễ hội truyền thống đình Trịnh Xuyên ở xã Nghĩa An, Lễ hội truyền thống đền Tranh trở thành lễ hội thứ 2 của huyện Ninh Giang được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện văn hóa này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân huyện Ninh Giang trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.

Hằng năm, tại đền Tranh có hai kỳ lễ hội chính vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch, ngoài ra còn có ngày tiệc Quan 25.5 âm lịch. Lễ hội tháng 2 âm lịch là lễ hội chính, được diễn ra từ ngày 10-20.2 âm lịch. Ngày 14.2 là chính hội, đồng thời là ngày kỷ niệm sinh nhật của Đức Thánh Tuần Tranh thu hút đông đảo nhân dân trong vùng, khách thập phương tham gia.

So với trước kia, ngày nay, Lễ hội truyền thống của đền Tranh đã đơn giản đi rất nhiều, nhưng những nét cơ bản vẫn được bảo tồn, phát huy. Từ sự ly kỳ của sự tích Quan lớn Tuần Tranh nên vào mỗi kỳ lễ hội, Ban tổ chức Lễ hội truyền thống đền Tranh đều mời đại diện chính quyền, Ban Quản lý di tích đền Lạc Dục và nhân dân xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ (nơi có di tích đền Lạc Dục thờ thân phụ và thân mẫu Quan lớn Tuần Tranh) và đại diện chính quyền, Ban Quản lý di tích đền Kỳ Cùng, nhân dân phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn (nơi thờ Quan Lớn khi ngài lên trấn ải chốn Kỳ Cùng) về tham dự lễ hội.

Đặc sắc nhất là lễ rước nước. Đội hình rước chuẩn bị theo vị trí đã sắp xếp từ trước. Những người tham gia trực tiếp vào lễ rước phải trong trang phục lễ hội, tùy từng thành phần mặc áo the, khăn xếp... Ông thủ hiệu gióng một hồi trống để báo hiệu cho đội hình rước sẵn sàng. Đúng 9 giờ, đoàn rước khởi hành từ sân đền Tranh. Thứ tự đội hình rước như sau: Đi đầu là đội múa tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng) - đội cờ thần - đội chiêng, trống - đội hình chấp kích, bát bửu - kiệu bát cống rước bài vị Quan Lớn Tuần Tranh - kiệu long đình (rước chóe nước) - đội tế nam - đoàn đại biểu các cấp - lực lượng tham gia các trò chơi dân gian - cuối cùng là nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội. Đường đi của đoàn rước là từ sân đền Tranh qua Nghi môn, rẽ phải qua các tuyến phố của thị trấn Ninh Giang đến ngã ba sông Luộc sau đó trở về đền. Đoàn rước đi trong tiếng nhạc lưu thủy hành vân làm rộn rã cả một vùng rộng lớn.

Ngoài hoạt động dâng hương, lễ hội còn có hoạt động hát văn và hầu Thánh được tổ chức linh đình. Lượng du khách đến với đền Tranh trong lễ hội lên đến hàng vạn người.

Ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết Lễ hội truyền thống đền Tranh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Đây là năm đầu tiên lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện nên mọi công tác chuẩn bị đã được Ban tổ chức lễ hội của huyện Ninh Giang phối hợp UBND xã Đồng Tâm, Ban Quản lý đền Tranh triển khai tích cực, khẩn trương.

Các hoạt động chính của lễ hội

Lễ hội đền Tranh xuân Quý Mão năm 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày là 1.3 và ngày 4-5.3 tại khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tranh, thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) với nhiều hoạt động đặc sắc.

- Ngày 1.3 (tức 10.2 âm lịch): Lễ rước nước, các đoàn dâng lễ vật, chương trình văn nghệ, khai hội, công bố quyết định đưa Lễ hội truyền thống đền Tranh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể, dâng hương, tế Quan và tế Mẫu. Tổ chức các trò chơi như kéo co, cờ tướng, lễ mộc dục.

- Ngày 4-5.3 (tức 13-14.2 âm lịch): Tổ chức các trò chơi đập niêu đất, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt lợn, vật dân tộc, đi cầu kiều trên cạn, chọi gà, bóng bàn, bóng chuyền, pháo đất…

THÀNH ÐẠT

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phong-tuc---le-hoi/dac-sac-le-hoi-den-tranh-227539