Đặc sắc lễ hội mùa Xuân ở Hưng Yên
Hưng Yên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa với 1.802 di tích, trong đó có 3 di tích, khu di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 175 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia; 260 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh; 6 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Gắn với hệ thống di tích là các sinh hoạt văn hóa dân gian, hàng trăm lễ hội truyền thống của Nhân dân làng xã từ bao đời nay, trong đó thường tập trung vào 3 tháng mùa xuân.
Lễ hội Đền Phù Ủng (Ân Thi)
Được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Hai (âm lịch) hàng năm tại đền Đa Hòa, xã Bình Minh và đền Hóa Dạ Trạch, xã Dạ Trạch (Khoái Châu), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung nhằm tưởng nhớ tình yêu bất tử của Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung. Đồng thời, tôn vinh lòng hiếu thảo, công lao của Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân đã mở mang bờ cõi, cứu giúp dân nghèo.
Rước kiệu trong Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Khoái Châu)
Đây là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nét đặc sắc trong lễ hội là phần rước Thành Hoàng làng của 9 làng thuộc tổng Mễ xưa, nay là 9 thôn thuộc 2 xã: Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang) về đền Đa Hòa. Tiếp theo đó là lễ rước nước từ sông Hồng mang về đền, thể hiện lòng mong mỏi của người nông dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Rước nước tại Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, xã Bình Minh (Khoái Châu)
Ngoài các hoạt động dâng hương, tế lễ còn có những chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, các trò chơi dân gian độc đáo như: Bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, chọi gà, đi cầu kiều, đu cây, thi bơi chải, cờ tướng, cầu lông, múa rồng, hát ca trù, quan họ, chầu văn, điệu múa đĩ đánh bồng vui nhộn… Các trò chơi dân gian đã đem đến không khí tưng bừng cho lễ hội, là dịp giao lưu, củng cố tinh thần đoàn kết của người dân. Năm nay, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung thu hút hàng vạn người dân địa phương và du khách thập phương tới tham quan, dâng hương bái lễ.
Nhắc đến lễ hội Hưng Yên không thể bỏ qua lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến ở thành phố Hưng Yên được tổ chức vào tháng ba âm lịch hằng năm. Lễ hội được tổ chức nhằm khai thác, phát huy giá trị của di tích, góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống cổ xưa trên đất Phố Hiến. Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến gắn với các di tích và phục dựng lại các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng cổ, những trò chơi dân gian truyền thống góp phần tái hiện về một vùng đất Phố Hiến sầm uất, thương cảng nổi tiếng một thời đã đi vào lịch sử với câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Đến với lễ hội, Nhân dân và du khách không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội mà còn là dịp để thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa vốn là điểm nhấn trong du lịch Phố Hiến như: Văn miếu Xích Đằng, chùa Chuông, cụm di tích đình – chùa Hiến, đền Trần, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, đền Bà Chúa Kho…
Hát quan họ trên hồ Bán Nguyệt (thành phố Hưng Yên)
Ngoài các lễ hội kể trên, Hưng Yên còn có nhiều lễ hội mùa xuân kết tinh những giá trị văn hóa đặc sắc. Hiện toàn tỉnh có hơn 500 lễ hội, trong đó tiêu biểu như: Lễ hội đền Phù Ủng, xã Phù Ủng (Ân Thi); lễ hội đền Đậu An, xã An Viên (Tiên Lữ); lễ hội cầu mưa, xã Lạc Hồng (Văn Lâm)… Các lễ hội phong phú, đa dạng về loại hình, tập trung tái hiện cuộc sống nông nghiệp, tôn vinh những anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước, đồng thời phản ánh tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương…
Lễ rước tại hội làng thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ)
Lễ hội mùa xuân ở Hưng Yên với các hoạt động văn hóa dân gian, phong tục đặc sắc không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của Nhân dân mà còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân những người có công với dân, với nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc của quê hương. Để những lễ hội truyền thống thực sự trở thành nét đẹp văn hóa của địa phương, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã tăng cường các hoạt động quản lý lễ hội, quản lý di tích; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, thường xuyên quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; chú trọng phục hồi những nghi lễ truyền thống, khai thác các trò chơi dân gian, những nét văn hóa bản sắc của từng địa phương trong tổ chức lễ hội, và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để di tích, lễ hội được giữ gìn, truyền lại cho các thế hệ sau. Phấn đấu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hưng Yên trở thành trung tâm di sản văn hóa đặc sắc tại khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202303/dac-sac-le-hoi-mua-xuan-o-hung-yen-39f01bd/