Đặc sắc Lễ hội Văn hóa dân gian phố Hiến năm 2024 tại Hưng Yên
Tối 29/2 (20 tháng Giêng), Lễ hội Văn hóa dân gian phố Hiến năm 2024 chính thức khai mạc tại khuôn viên Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2024; đồng thời tuyên truyền và quảng bá hình ảnh và giới thiệu những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của Khu di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến đến người dân và du khách thập phương.
Lễ hội được tổ chức thường niên, trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng, mang bản sắc riêng của phố Hiến – Hưng Yên.
Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên Doãn Quốc Hoàn cho biết, theo sử sách còn lưu lại, phố Hiến xưa kia – thành phố Hưng Yên ngày nay từng là một thương cảng nổi tiếng thường được nhắc đến với câu ca "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Phố Hiến từng đón nhiều tàu thuyền, thương nhân từ nước ngoài tới giao thương, buôn bán và cư ngụ đã góp phần tạo nên không khí náo nhiệt, sầm uất và được ví như "Tiểu Tràng An".
Cùng với hàng hóa, hoạt động thương mại, người nước ngoài đã mang đến nơi đây những phong tục tập quán, kiến trúc với bản sắc văn hóa đa dạng. Điều này góp phần tạo nên một phố Hiến vừa là điểm hội tụ, vừa là điểm giao thoa giữa các nền văn hóa, hình thành nên nét văn hóa đặc sắc riêng có của đất và người nơi đây.
Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, phố Hiến ngày nay không còn là một thương cảng nhưng những dấu tích của một thời hưng thịnh vẫn còn rất đậm nét trong các công trình kiến trúc, tập quán và nếp sống của cộng đồng dân cư.
Hiện thành phố Hưng Yên lưu giữ, bảo tồn được khoảng 200 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, trong đó có một Khu di tích quốc gia đặc biệt phố Hiến, 20 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích xếp hạng cấp tỉnh; trên 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị với nhiều phong cách kiến trúc độc đáo đan xen giữa văn hóa thuần Việt với phương Đông và phương Tây.
Trong quần thể di tích phố Hiến hiện có rất nhiều di tích vẫn còn bảo tồn, lưu giữ được toàn bộ tính nguyên gốc từ nghệ thuật kiến trúc đến các giá trị lịch sử, thể hiện đầy đủ các triều đại từ Đinh, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Cùng với đó, việc gìn giữ, lưu truyền, tổ chức trên 40 lễ hội truyền thống được diễn ra hàng năm tại các di tích đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đất và người phố Hiến.
“Sự đậm đặc về mật độ di tích gắn với tâm linh, tín ngưỡng thờ nhân thần và thiên thần đã tạo cho thành phố Hưng Yên một bản sắc văn hóa đặc sắc, vừa mang tính dân tộc cộng đồng vừa mang đặc trưng riêng của địa phương. Nơi đây, mỗi làng, xã, thôn đều lựa chọn tôn thờ một vị thần, thánh linh thiêng nhưng đều có một điểm chung là các vị thần thánh đều là những vị hiền nhân, hết lòng thương yêu dân chúng và hy sinh thân mình vì công cuộc bảo vệ bờ cõi quê hương, đất nước”, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết.
Lễ hội Văn hóa dân gian phố Hiến được tổ chức hàng năm là dịp để du khách và người dân có cơ hội tìm hiểu những giá trị tinh thần, mang đậm nét lịch sử của mảnh đất phố Hiến, cùng thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng.
Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách còn được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, âm nhạc và các trò chơi dân gian, qua đó hiểu thêm về mảnh đất và con người xứ nhãn, một mảnh đất yên bình – hưng thịnh với hình ảnh người phố Hiến thân thiện, hiếu khách, văn minh, thanh lịch, năng động và đang không ngừng vươn lên đổi mới…
Theo kế hoạch, Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến năm 2024 diễn ra từ ngày 29/2 - 2/3 (tức 20 - 22 tháng Giêng) bao gồm phần lễ và phần hội.
Phần lễ gồm có lễ dâng hương; lễ khai mạc. Phần hội sẽ diễn ra hội múa rồng, múa lân; rước kiệu; cầu kiều trên cạn; kéo co; cờ tướng; cờ người, hội thi chuyền chanh; hội thi nhảy bao bố; bịt mắt đập niêu, thả đèn hoa đăng; chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; hát trên thuyền; múa rối nước; liên hoan đàn và hát dân ca; văn nghệ quần chúng và một số trò chơi dân gian khác… Bên cạnh đó là hội thi tiếng hót chim chào mào, trưng bày sinh vật cảnh; trưng bày ảnh…
Ngoài ra, trong các ngày diễn ra lễ hội còn có các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương được giới thiệu, bày bán tại các gian hàng khu vực khuôn viên Ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến.