Là sự kiện thường niên lớn nhất của tỉnh Ubon Ratchathani, điểm nổi bật nhất trong lễ hội nến ở chính là cuộc diễu hành của những tác phẩm điêu khắc nến khổng lồ trên đường phố.
Tháng 7 hàng năm, vào đầu mùa chay Phật giáo (Khao Phansa), Lễ hội nến được tổ chức ở tỉnh Ubon Ratchathani, đánh dấu sự khởi đầu của mùa mưa ở Thái Lan.
Ubon Ratchathani, hay còn được gọi tắt là Ubon, là một trong 4 tỉnh lớn ở vùng Đông Bắc Thái Lan. Đối với người dân Ubon, nến là biểu tượng gắn bó với đời sống văn hóa của họ bởi nến không chỉ mang lại ánh sáng mà còn là biểu tượng của sự thịnh vượng.
Truyền thống rước nến là một truyền thống công đức lớn lao của Ubon Ratchathani từ lâu đời. Tỉnh Ubon Ratchathani và nhiều ban ngành đã cùng nhau thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động khác nhau liên quan đến việc làm nến Phansa trong suốt một tháng trước mùa chay, với nhiều hoạt động khác nhau, nhằm bảo tồn truyền thống tốt đẹp này, tạo công đức, tiếp nối nghệ thuật và văn hóa, đồng thời tạo ấn tượng với du khách khi đến thăm tỉnh Ubon Ratchathani.
Lễ hội nến đã trở thành một nét văn hóa thể hiện nhu cầu về tinh thần và tín ngưỡng, đồng thời cũng góp phần xây dựng gắn kết cộng đồng.
Lễ hội nến lần đầu tiên chính thức được tổ chức tại Ubon Ratchathani vào năm 1901, dưới thời Đức vua Rama V với cuộc diễu hành nến xung quanh thành phố. Từ đó đến nay, lễ hội này được tổ chức hàng năm với quy mô ngày càng phát triển. Đến năm 1940, cuộc thi nến bắt đầu được tổ chức và các nghệ nhân bắt đầu điêu khắc các hình chạm trổ hoa văn nổi với nhiều màu sắc khác nhau trên các tác phẩm nến.
Khao Phansa hay Mùa chay Phật giáo ở Thái Lan kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ ngày 1/8 cho đến ngày 15/11 (lịch âm của Thái). Trong ngày này, các chư tăng sẽ đăng ký ở lại tại một ngôi chùa nhất định, và sẽ không qua đêm ở bất cứ nơi nào khác trong vòng 3 tháng. Trong khoảng thời gian Khao Phansa kéo dài suốt 3 tháng mùa mưa này, các nhà sư phải thắp hương và nến để dâng kính thờ Đức Phật, cầu nguyện vào mỗi buổi sáng và buổi tối, và không được qua đêm ở nơi nào khác.
Lý do Đức Phật đưa ra quy định phải ở một chùa trong khoảng thời gian 3 tháng như trên là để các nhà sư phải nghỉ hành hương để truyền bá tôn giáo đến những nơi khác nhau, do khoảng thời gian này là mùa mưa, việc đi lại rất không thuận tiện (đường bùn lầy ổ gà), ngoài ra cũng nhằm tránh thiệt hại do giẫm đạp lên lúa của dân làng trồng trên ruộng trong mùa mưa hay những con động vật nhỏ. Khao Phansa cũng là cơ hội quan trọng cho các nhà sư tập trung để nghiên cứu Giáo pháp và Giới luật từ các nhà tu uyên bác, trao đổi kinh nghiệm, tạo sự đoàn kết.
Vì lý do này, tất cả Phật tử cùng nhau cúng dường nến cho các nhà sư thắp sáng như một hình thức làm thiện hay làm công đức, bởi tin rằng khi cúng dường hay làm thiện bằng ánh sáng thì cuộc sống sẽ được dẫn lối đến những điều tốt đẹp, tươi sáng, trí tuệ hanh thông sáng suốt.
Trên thực tế, cũng có khá nhiều nơi ở Thái Lan có lễ hội kiểu này, nhưng Lễ hội Nến ở Ubon Ratchathani được xem là nổi bật nhất bởi đây là một trong những tỉnh mang đậm nét truyền thống Phật giáo với nhiều chùa chiền nhất ở Thái Lan.
Khao Phansa là một dịp lễ hội đặc biệt quan trọng, do đó nhiều Phật tử siêng năng làm công đức hơn bình thường. Hoạt động đặc biệt mà Phật tử thường làm nữa là làm nến Phansa – làm nến cây lớn, sau đó rước vào chánh điện của chùa để thắp thờ Đức Phật trong suốt 3 tháng. Lễ rước nến vào chùa là một sự kiện trang trọng, có tiếng chiêng, tiếng trống reo hò, nến thì được đúc hoặc chạm khắc hoa văn và trang trí đẹp mắt.
Hình chạm khắc trên mỗi tác phẩm thường mô tả những truyền thuyết của đạo Hindu, đạo Phật với những sinh vật thần thoại voi ba đầu, chim thần Garuda nay thần rắn Naga... Mỗi hình ảnh đều được các nghệ nhân trau chuốt, quan tâm tới từng chi tiết nhỏ nhất.
Cuộc diễu hành nến Lạc thú là một phần quan trọng của lễ hội, với đoàn diễu hành lớn có thanh thiếu niên mặc trang phục truyền thống và nhảy múa theo âm nhạc truyền thống của Thái Lan.
Những tác phẩm điêu khắc bằng nến khổng lồ chậm rãi diễu hành qua đường phố trong tiếng nhạc tưng bừng. Dưới ánh đèn trang trí rực rỡ, những tác phẩm điêu khắc từ nến càng trở nên lung linh, huyền ảo hơn.
Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng các tượng nến sáp có thể cao tới 20 mét và được trang trí tinh xảo với các hoa văn truyền thống của Thái Lan.
Các người đẹp Thái Lan tham gia đoàn diễu hành.
Các nhóm vũ công ăn mặc rực rỡ, nhảy múa các vũ điệu truyền thống sống động, đầy màu sắc.
Trong mỗi đoàn rước sẽ có một đoàn diễu hành người dân đi trước nhảy múa thể hiện nghệ thuật và văn hóa địa phương Isaan mà mỗi ngôi chùa tự sáng tạo ra.
Các vật dụng đều đến từ địa phương, như trang phục cho đám rước múa là vải địa phương được sử dụng chủ yếu, điệu múa sử dụng các động tác múa phỏng theo nếp sống, sinh hoạt của người dân. Nhạc nền là sự kết hợp của nhạc cụ địa phương hòa cùng tiếng hát vui nhộn, sôi động.
Năm 2024 là năm thứ 123 lễ hội rước nến được tổ chức ở tỉnh Ubon Ratchathani.
Ngày nay, lễ hội nến ở vùng Đông Bắc Thái Lan này đã trở thành một sự kiện văn hóa quốc tế sống động và đầy màu sắc, thu hút đông đảo người dân địa phương và bạn bè quốc tế tham gia, trải nghiệm ít nhất một lần trong đời.