Đặc sắc Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Sáng 3-2, (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mê Linh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 sau Công nguyên) và khai mạc Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2025.

Các đồng chí lãnh đạo trung ương, thành phố Hà Nội dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Các đồng chí lãnh đạo trung ương, thành phố Hà Nội dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Dự lễ kỷ niệm và khai mạc lễ hội, về phía trung ương có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Đặng Thị Ngọc Thịnh; Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến và lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.

Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà…

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Ôn lại truyền thồng thống lịch sử, tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân ta trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang; là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc ta.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã để lại cho dân tộc ta một di sản tinh thần vô giá. Đó là chân lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: Khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đứng lên kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình, thì không lực lượng gì thắng được. Đó cũng là bài học “dân là gốc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần làm chủ của nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh). Ảnh: Quang Thái

Tự hào là con cháu Hai Bà Trưng, phụ nữ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của toàn dân, trong đó có các tầng lớp phụ nữ, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Năm 2023, xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam đứng thứ 72/146 quốc gia (tăng 11 bậc so với năm 2022). Vai trò, vị trí và đóng góp của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng được nâng cao.

Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói chung và huyện Mê Linh nói riêng đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Sau hơn 16 năm sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, huyện Mê Linh đã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, diện mạo đô thị từng bước hình thành, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Các đồng chí lãnh đạo trung ương, thành phố Hà Nội dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái

Các đồng chí lãnh đạo trung ương, thành phố Hà Nội dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái

Theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1.985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với Hai Bà Trưng và các bậc tiền nhân; đồng thời khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đưa đất nước ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu: 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị, cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ rất quan trọng của năm 2025, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, trong đó có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng, trở thành động lực và nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Thành phố Hà Nội xây dựng huyện Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện, trở thành đô thị xanh, hiện đại, xứng tầm là khu vực cửa ngõ phía Bắc Thủ đô kết nối với hành lang xuyên Á, là một trong những trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, kết nối quốc tế của thành phố Hà Nội.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm đánh trống khai hội. Ảnh: Quang Thái

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm đánh trống khai hội. Ảnh: Quang Thái

Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái

Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ kỷ niệm. Ảnh: Quang Thái

Đồng thời, xây dựng Thủ đô đến năm 2030 là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2050, là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới.

Tại lễ kỷ niệm, còn diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Âm vang Mê Linh” nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị kiệt nữ Anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị. Lễ hội diễn ra đến ngày ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ.

Hoàng Sơn - Quang Thái

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dac-sac-le-ky-niem-1-985-nam-khoi-nghia-hai-ba-trung-692202.html