Đặc sắc những làn điệu quan họ trong 'Đêm Văn hóa Bắc Ninh' tại Pháp

Trong 'Đêm Văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc' diễn ra tại Paris, các đại biểu được đắm mình trong những làn điệu dân ca quan họ sâu lắng và chứng kiến nghệ thuật làm tranh Đông Hồ độc đáo của tỉnh Bắc Ninh.

Các liền anh, liền chị hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Lễ hội tổng Dâu, ngày 13/5/2024. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Các liền anh, liền chị hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Lễ hội tổng Dâu, ngày 13/5/2024. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Tối 31/5, tại Thủ đô Paris đã diễn ra “Đêm Văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc” đầy màu sắc.

Sự kiện do Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đại sứ quán và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức nhân kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Đại diện Nhân loại (2009-2024).

Gần 200 đại biểu đã đến dự sự kiện, trong đó có gần 30 Đại sứ các nước bên cạnh UNESCO cùng đại diện các cơ quan, tổ chức của Pháp, các cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế đặt tại Paris, các Hội Đoàn người Việt Nam tại Pháp.

Các đại biểu đã được đắm mình trong những làn điệu thiết tha, mượt mà sâu lắng với lời hát trữ tình da diết và tinh tế của Dân ca Quan họ Bắc Ninh qua các tiết mục đặc sắc như Mời nước-mời trầu, Dệt gấm, Vui bốn mùa, các tiết mục độc tấu đàn bầu...

“Đêm Văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc” giữa Thủ đô nước Pháp đã cũng tạo ấn tượng thẩm mỹ sâu đậm với hình ảnh những “liền anh” trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những “liền chị” duyên dáng trong bộ áo mớ ba, mớ bẩy, khăn xếp, nón quai thao, cùng những bức tranh về khung cảnh yên ả với mái đình, mái chùa, cây đa, bến nước quen thuộc ở làng quê Bắc Bộ.

Sau khi thưởng thức các làn điệu quan họ, các khách mời cũng trực tiếp nghe giới thiệu về nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ hết sức độc đáo của tỉnh Bắc Ninh.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đã đề cao vai trò của Di sản Văn hóa Phi Vật thể trong tăng cường đa dạng văn hóa, sự gắn kết cộng đồng, thúc đẩy hòa bình và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc.

Theo Đại sứ, Di sản Văn hóa Phi Vật thể còn là động lực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia.

Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh nhấn mạnh Việt Nam tự hào có 15 Di sản Văn hóa Phi Vật thể được UNESCO ghi danh, trong đó có Dân ca Quan họ Bắc Ninh, đồng thời bày tỏ mong muốn các nước tiếp tục ủng hộ những hồ sơ đề cử khác của Việt Nam.

Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn chú trọng công tác bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững đất nước.

Với vai trò thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 và hiện là Phó Chủ tịch Ủy ban, Việt Nam đã và sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác nhằm thúc đẩy việc thực hiện Công ước.

Trong lời phát biểu, ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh - khẳng định tỉnh đã thực hiện có hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về bảo tồn và phát triển Di sản Văn hóa Phi Vật thể Đại diện của Nhân loại: Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Trong 15 năm qua, Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân quan họ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt đã dành nhiều nguồn lực để giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này với bạn bè quốc tế.

Nhân sự kiện này, ông Trịnh Hữu Hùng đã giới thiệu về dòng tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh.

Ông cho biết giá trị đặc sắc của loại hình tranh dân gian Đông Hồ, từ nội dung, màu sắc đến cách làm đều phảng phất hồn quê, phong vị và đi vào cuộc sống của người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đứng trước nguy cơ bị mai một, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách đề cử Di sản Văn hóa Phi Vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

 Trình diễn khắc tranh gỗ tại chợ tranh Đông Hồ Bắc Ninh hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Trình diễn khắc tranh gỗ tại chợ tranh Đông Hồ Bắc Ninh hồi tháng 11 năm ngoái. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Ông Trịnh Hữu Hùng bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế để năm 2025, loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này được UNESCO ghi danh.

Tại “Đêm Văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc,” các khách mời quốc tế đã rất thích thú và ngưỡng mộ khi được chứng kiến nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh, một nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ, trình diễn và hướng dẫn các bước hoàn chỉnh một sản phẩm tranh.

Lời giới thiệu tận tình của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Oanh và sự trải nghiệm trực tiếp đã giúp các khách mời hiểu sâu hơn về vẻ đẹp, phong tục văn hóa truyền thống, cùng những ước mơ, khát vọng, triết lý sống của người Việt Nam qua dòng tranh dân gian độc đáo này.

Bà Aleksandra Popovic, Phó trưởng Phái đoàn Thường trực Serbia bên cạnh UNESCO, một trong số khách mời được trực tiếp trải nghiệm cách làm tranh Đông Hồ, nói: “Tôi đã có cơ hội đến thăm Việt Nam rất lâu trước đây. Tôi đã từng đến Việt Nam một vài lần nhưng chưa bao giờ được trải nghiệm và trực tiếp thưởng thức một thành phẩm tranh Đông Hồ. Quả thực là tôi rất thích.”

Cùng chia sẻ cảm xúc với đồng nghiệp nữ Serbia, ông Kano Takehiro, Trưởng Phái đoàn Thường trực Nhật Bản, bày tỏ: “Đây là một cơ hội đặc biệt để tôi được học và làm thử những điều như thế này, được thấy cách truyền lại kỹ năng qua nhiều thế hệ cũng như được tự mình thử làm một bức tranh...

Những kỹ năng được trình chiếu trong video mà chúng ta xem tại đây thực sự rất thú vị và độc đáo. Tôi nghĩ rằng đó là một di sản văn hóa đích thực.

Tôi rất vui khi được có mặt tại đây tối nay để chia sẻ khoảnh khắc này cũng với đại sứ, đại diện của Việt Nam và có thêm chút hiểu biết về văn hóa Việt Nam.”

Nhân dịp này, các đại biểu cũng đã tham quan Triển lãm “Hồ Chí Minh-Khát vọng độc lập dân tộc” đang trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, được nghe đại diện Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch giới thiệu các bức ảnh tư liệu hết sức quý báu về quá trình bôn ba tìm đường cứu nước của Người.

Năm 1987, UNESCO đã thông qua Nghị quyết Số 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dac-sac-nhung-lan-dieu-quan-ho-trong-dem-van-hoa-bac-ninh-tai-phap-post956682.vnp