Đặc sắc những lễ hội ở Thanh Oai
Huyện Thanh Oai xác định phát triển du lịch văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó có giải pháp quảng bá, phát huy, gìn giữ giá trị di sản đặc sắc trên địa bàn.
Thanh Oai được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với 266 di tích, trong đó có 151 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Cùng với đó, những lễ hội truyền thống phong phú, độc đáo, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Với tiềm năng đó, Thanh Oai xác định phát triển du lịch văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó có giải pháp quảng bá, phát huy, gìn giữ những giá trị di sản đặc sắc trên địa bàn.
Lễ hội Bình Đà, xã Bình Minh.
Kho tàng di sản phong phú, đa dạng, cả di sản vật thể và phi vật thể. Từ ngày mùng 10 đến ngày 12 tháng Giêng hằng năm, Thanh Oai nô nức với lễ hội chùa Bối Khê, xã Tam Hưng, thu hút hàng nghìn du khách. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hưng Nguyễn Công Hiếu, chùa và lễ hội chùa Bối Khê rất độc đáo. Đây là ngôi chùa cổ có niên đại lâu đời, thuộc loại đẹp và xưa nhất còn lại ở nước ta.
Qua một số lần trùng tu vào các thời Lê, Mạc, Nguyễn, hiện nay, chùa Bối Khê là một trong những ngôi chùa hội tụ nhiều tinh hoa kiến trúc truyền thống với kết cấu “tiền Phật, hậu Thánh”. Nơi thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái, tiếp theo là tòa thiêu hương và Thượng điện thờ Đức Thánh Nguyễn Bình An, người đời thường gọi là Đức Thánh Bối.
“Lễ hội chùa Bối Khê nổi tiếng với lễ cầu nước. Nét đặc sắc trong lễ cầu nước ở chùa Bối Khê là những nghi thức cầu đảo”, ông Nguyễn Công Hiếu chia sẻ.
Lại có thể kể đến lễ hội chùa Thanh Quả, còn gọi là lễ hội chùa Bốn ở 4 thôn Minh Kha, Sinh Liên, Sinh Quả (xã Bình Minh) và thôn Tê Quả (xã Tam Hưng), tổ chức vào các ngày 17, 18 tháng Giêng. Khai hội, không chỉ người dân 4 thôn 2 xã mà còn đông đảo du khách thập phương tham dự.
Chùa Thanh Quả, hiệu Sùng Quang Tự, được xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Ngôi chùa vừa thờ Phật, vừa thờ Đức Thượng đẳng phúc thần - Tướng quân Ngô Long thời Hùng Duệ Vương.
Lễ hội chùa Thanh Quả có phần lễ trang trọng và phần hội vui tươi. Tại lễ hội có phần lễ dâng hương, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mừng xuân an lạc, quê hương đổi mới, người người được hạnh phúc, ấm no. Phần hội có các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian…
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, huyện còn có nhiều lễ hội lớn, đặc sắc khác, như lễ hội làng Chuông thuộc xã Phương Trung vào ngày 10 tháng Ba âm lịch. Đây là lễ hội gắn liền với làng nón của Phương Trung mà dư âm và cả đời sống đương đại vẫn sống động trong câu ca dao: “Mồng mười đi chợ Chuông chơi/Xem đánh cờ người, xem thổi cơm thi”.
Cũng rất đặc sắc là lễ hội Bình Đà, xã Bình Minh, đã được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 6 tháng Ba âm lịch hằng năm, tưởng nhớ công đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Lễ hội gắn với khu di tích Đền Nội, với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha.
Theo ông Trần Văn Lợi, lễ hội Bình Đà là một trong những lễ hội lớn nhất vùng với hàng loạt lễ nghi như: Ngày hội cầu phúc (mồng 1 tháng Ba), lễ Nhật luân nhập tịch kì phước (mồng 2 tháng Ba); lệ làm và dâng bánh vía (mồng 6 tháng Ba). Lễ hội Bình Đà được tổ chức đều đặn hằng năm để nhân dân Bình Đà và đông đảo con cháu Lạc Hồng từ khắp mọi miền tìm về tỏ lòng thành kính với Quốc Tổ.
Hình thành tuyến du lịch văn hóa
Thanh Oai còn nức tiếng "đất trăm nghề" với nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc: Làng nón lá ở Phương Trung (làng Chuông đã được công nhận là làng điển hình của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ); làng điêu khắc ở Võ Lăng (Dân Hòa), Dư Dụ (Thanh Thùy); làng làm quạt ở Vác; làng làm sơn tượng Võ Lăng; làng làm tương ở Cự Đà; làng làm giò chả Ước Lễ… Rải rác khắp huyện còn có nghề mây tre đan, sản xuất nông lâm sản, kim khí…
Sản xuất trong làng, tại hộ dân, mà các làng nghề Thanh Oai vẫn lưu giữ nhiều nét kiến trúc truyền thống với cổng làng xưa, đình làng, nhà cổ…
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện vừa hoàn thiện quy hoạch đối với từng vùng, từng xã. Từ quy hoạch đó, huyện đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế. Đặc biệt, huyện tập trung nguồn lực bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đồng thời thiết lập các tuyến du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, làng nghề, du lịch sinh thái thành chuỗi, từ đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.
“Đối với các khu di tích, huyện hỗ trợ địa phương tập huấn, đào tạo hướng dẫn viên về kỹ năng, chuyên môn, đầu tư các bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông... để phát triển du lịch”, ông Bùi Văn Sáng chia sẻ về tầm nhìn phía trước của ngành kinh tế mũi nhọn ở Thanh Oai.