Đặc sắc những ngôi chùa Khmer
Sóc Trăng có 92 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện cho các chùa hoạt động tôn giáo đúng theo đạo pháp, đúng quy định của pháp luật và cho phép sửa chữa tôn tạo, xây dựng mới các công trình kiến trúc, nên những ngôi chùa luôn mang đậm dấu ấn thể hiện những quần thể hoa văn, điêu khắc độc đáo, có màu sắc rực rỡ, là nơi để sư sãi, bà con phật tử sinh hoạt tôn giáo lành mạnh.
Khuôn viên chùa Phnoroka, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) luôn được xây dựng khang trang.ẢNH: TRƯƠNG PHOL
Bước vào khuôn viên chùa Phnoroka thuộc xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hàng trăm cây sao, cây dầu cao vút, phủ bóng mát. Như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Phonoroka gồm chánh điện, sala, tăng xá và các công trình phụ. Chùa được xây dựng với sự đóng góp của các bậc cao tăng của nhiều thế hệ trụ trì, đã vận động bà con phật tử xây dựng, sửa chữa các công trình kiến trúc trong chùa, trải qua nhiều năm đã trù tu nhiều lần nên ngôi cánh điện khang trang hơn với kiến trúc truyền thống Phật giáo Khmer. Hiện nay, ngôi chánh điện được trang trí trên nóc với những nét hoa văn và khắc một số con vật như: neak (con rồng của người Khmer), Krus, Kâyno… ở dưới cầu thang được đặt 12 con giáp với đường nét chắc khỏe. Dạo bước trong khuôn viên chùa, có những công trình mới mẻ đã hoành thành một số hạng mục như: cổng chính, hàng rào, lót bê tông trước sân chùa và ngôi tháp… Trong khuôn viên chùa có nhiều tượng của Đức Phật, thể hiện sự trang nghiêm, yên tĩnh.
Đại đức Sơn Vũ Bảo - Trụ trì chùa Phnoroka đang đôn đốc công việc xây dựng tại đây cho biết: “Sư làm trụ trì đến nay được 11 năm. Hiện sư đang xây dựng một số công trình như: lót đal xung quanh khuôn viên chùa, xây dựng ngôi tháp và sửa chữa các công trình phụ khác”. Được biết, ngoài việc xây dựng các công trình trong chùa, Đại đức Sơn Vũ Bảo còn chăm lo việc tu học của các sư sãi và mở lớp dạy chữ Khmer vào dịp hè hàng năm cho con em phật tử. Bên cạnh đó, dịp các ngày rầm có phật tử đến chùa đông đảo, đại đức còn vận động bà con phật tử luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hưởng ứng các phong trào mà địa phương phát động; cố gắng tăng gia sản xuất, nhằm vươn lên ổn định cuộc sống.
Chùa Phú Tức thuộc xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) do Đại đức Lâm Vành Ni làm Trụ trì và chùa có hơn 400 phật tử, chủ yếu là đồng bào Khmer. Đại đức Lâm Vành Ni rất quan tâm đến việc tu học của sư sãi, động viên con em phật tử chăm chỉ học hành. Bên cạnh đó, đại đức còn mở lớp dạy chữ Khmer cho con em phật tử hàng năm vào dịp hè. Kết thúc khóa học, mỗi học sinh được đại đức hỗ trợ từ 5 đến 10 cuốn tập. Đại đức Lâm Vành Ni cho biết: “Chùa chiền phải trang nghiêm, sạch, đẹp, sư sãi phải chấp hành tốt, đúng theo giới luật của Đức Phật, vì người tu luôn được bà con phật tử tôn kính nên bản thân phải gương mẫu”. Ngoài ra, đại đức còn tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con phật tử; vận động phật tử cố gắng làm ăn để thoát nghèo và cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đại đức còn vận động phật tử đóng một chiếc ghe ngo để bà con phật tử tham gia vào ngày lễ hội Oóc om bóc hàng năm. Bên cạnh đó, để phục vụ những ngày lễ lớn trong việc thực hiện nghi thức tôn giáo trong chùa cũng như ghi thức của bà con phật tử trong thôn xóm, Đại đức Lâm Vành Ni mua sắm một dàn ngũ âm, rồi thành lập một đội để bà con phật tử phục vụ các ngày lễ, Tết của đồng bào và các ngày lễ của Phật giáo.
Với sự đoàn kết góp sức của các vị sư cùng ban quản trị các chùa, các công trình kiến trúc tiếp tục được xây dựng ngày càng khang trang hơn, trang trí những hoa văn ngày càng rực rỡ hơn để bà con phật tử Khmer sinh hoạt tôn giáo, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.