Đặc sắc Tết cá của người Tày Yên Minh

Cộng đồng người dân tộc Tày ở Yên Minh sống định cư gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Không chỉ tạo ra những bản làng trù phú, họ còn là chủ nhân của kho tàng văn hóa bắt nguồn từ lao động sản xuất, trong đó có Tết cá. Đây là phong tục đặc sắc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Mâm cơm cúng đa dạng các món từ cá Chép ruộng.

Mâm cơm cúng đa dạng các món từ cá Chép ruộng.

Tết cá hay còn gọi là Tết Khẩu Ràng, chủ thể của di sản là cộng đồng người Tày sinh sống trên địa bàn xã Mậu Duệ (Yên Minh). Các cụ cao tuổi kể câu chuyện lưu truyền rằng: Ngày xưa, hai thủ lĩnh người Tày là Nguyễn Viễn Rịch và Nguyễn Viễn Quang đưa họ hàng cùng bà con người Tày đến xã Mậu Duệ khai phá, sinh sống tại các thung lũng cạnh các dòng sông, khe suối. Họ canh tác hiệu quả trên ruộng đồng và sáng tạo ra việc thả cá Chép vào ruộng lúa, nhờ năng suất cao, cách làm này càng được nhân rộng. Từ sản vật đặc biệt của đồng ruộng, hàng năm người dân tổ chức lễ hội ăn mừng, dâng lễ vật để cúng tổ tiên vào ngày 9.9 âm lịch.

Thời gian trôi qua, Tết cá được duy trì đến ngày nay với mong muốn cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và tạ ơn tổ tiên đã dạy dân trồng lúa, canh tác. Trước Tết khoảng 3 tháng, người dân tiến hành thả cá; trung bình một sào Bắc Bộ sẽ thả khoảng 300 - 500 con cá giống. Cách vài ngày, chủ gia đình phân công cho từng thành viên đảm nhiệm các công việc chuẩn bị cho ngày Tết. Đúng ngày 9.9 âm lịch, trong tiết trời Thu dịu mát, các gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng để thực hiện nghi lễ kính cáo tổ tiên, các vị thần linh với đa dạng các món ăn từ cá Chép ruộng như: Bánh Chưng nhân cá, cá đồ măng chua, cá rán, cá lam ống vầu, gỏi cá, bánh lòng cá trộn hạt kê... Đặc biệt, mỗi gia đình, dòng họ người Tày lại có những kiêng kỵ trong khi chế biến cá Chép như: Mổ cá chỉ vào ban đêm, không dùng dao mà dùng một que nứa vót nhọn để mổ; khi nướng cá, phần đuôi không được quay vào cửa bếp, cá nướng không được để bị cong, cháy đuôi…

Đông đảo người dân tham gia thi bắt cá bằng tay.

Đông đảo người dân tham gia thi bắt cá bằng tay.

Trong khi bố mẹ chuẩn bị mâm cỗ cúng thì trẻ nhỏ lại háo hức tham gia trò chơi đua cá. Đám trẻ thường dùng một loại cây thân thảo có tên là “Mạy phẹc” về phơi khô, sau đó làm các mô hình buộc vào thân cá. Cá chép đua được lựa chọn thật khỏe, vây nổi rõ. Trẻ nhỏ ở khắp các thôn tập trung tại khu vực suối đã hẹn trước, căng ngang hai dây là điểm xuất phát và vạch đích. Một sợi dây có độ bền được buộc vào khía của vây cá hoặc sỏ qua mũi cá, một đầu buộc vào các mô hình. Sau hiệu lệnh các “vận động viên” cá lúc này đua nhau lao về đích trong tiếng hò reo không dứt của đám trẻ.

Tết cá đã tạo ra sinh hoạt văn hóa ẩm thực, văn hóa, văn nghệ hết sức đa dạng. Sau nghi thức kính cáo tổ tiên, các gia đình cùng nhau thưởng thức các mâm cỗ đầy ắp các món ăn từ cá Chép ruộng. Rượu ngô men lá thơm nồng được chủ nhà mang ra mời thông gia, anh em láng giềng, bạn bè hội ngộ. Họ hỏi thăm nhau về sức khỏe, công việc và chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống, lao động sản xuất. Trong không khí sum họp gia đình ấm cúng, ai cũng phấn khởi bởi mùa màng bội thu, làng bản, gia đình có cuộc sống ấm no.

Hấp dẫn phần thi đua cá.

Hấp dẫn phần thi đua cá.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Tết cá mang bản sắc riêng của cộng đồng người Tày, thông qua tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để cầu khấn cho con người có sức khỏe, mùa màng bội thu và gắn kết cộng đồng. Đồng thời, phát huy trách nhiệm bảo vệ rừng, nguồn nước và các loài thủy sinh. Ngoài ra, di sản còn hàm chứa giá trị lịch sử gắn liền với sự hình thành, phát triển của dân tộc Tày ở Mậu Duệ nói riêng và người Tày huyện Yên Minh nói chung. Đây là sản phẩm được giữ gìn, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua đó, phản ánh đậm nét quá trình khai phá ruộng bậc thang, lịch sử nông nghiệp trồng lúa nước cũng như thả cá trong ruộng và những phong tục, tập quán đã diễn ra cách đây nhiều thế kỷ.

Với định hướng “biến di sản thành tài sản”, năm 2023, Lễ hội Tết cá sẽ được huyện Yên Minh tổ chức quy mô cấp huyện vào ngày 22.10. Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Thi đua cá, bắt cá bằng tay, thi chọc mật cá, gói bánh Chưng nhân cá; trải nghiệm nấu rượu ngô men lá, tham quan sản phẩm đặc trưng và ẩm thực. Thông qua lễ hội, tiếp tục phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; quảng bá tiềm năng, thế mạnh, thu hút khách du lịch trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn…

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202310/dac-sac-tet-ca-cua-nguoi-tay-yen-minh-43c6f07/