Đặc sắc trang phục các dân tộc thiểu số Đồng Nai
Màu sắc rực rỡ, những họa tiết thêu tay tinh xảo, phối màu bắt mắt, chất liệu phong phú..., đó là những điểm nổi bật trong trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đồng Nai.
Không chỉ tôn lên vẻ đẹp, trang phục của các DTTS còn mang trong mình nhiều câu chuyện, ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, phong tục tập quán của từng dân tộc. Qua trang phục, thể hiện sự tự hào, tôn vinh giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Bản sắc của từng dân tộc
Từ thế kỷ XVI-XVII, Đồng Nai đã thu hút đông đảo cư dân Việt từ miền ngoài vào lập nghiệp, cùng với các dân tộc: Mạ, Chơro, S’tiêng, Cơho cùng nhau khai khẩn đất hoang, xây dựng làng ấp. Đến nay, các dân tộc này vẫn giữ những phong tục, tập quán riêng, trong đó có gìn giữ các trang phục truyền thống. Phần lớn trang phục của các dân tộc đều sử dụng vải dệt thổ cẩm, chỉ khác kiểu dáng, màu sắc, hoa văn...
Chị Ka Ngoăn (dân tộc Mạ, ngụ xã Tà Lài, huyện Tân Phú) cho hay, đối với người Mạ, trang phục truyền thống là một phần quan trọng, gắn liền với các hoạt động tín ngưỡng. Thổ cẩm của người Mạ gồm các màu: trắng, đen, đỏ, vàng và một số màu khác. Họa tiết trên trang phục là những hoa văn hình học, sóng nước, hình người, muông thú và những đồ vật thân quen gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Bà Hoàng Thị Huyên (dân tộc Tày, ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho biết, điểm độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ. Để tôn lên vẻ đẹp váy, áo của phụ nữ, người Tày sử dụng các bộ trang sức, tuy đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như: vòng cổ, vòng tay, xà tích... Quan trọng nhất là vòng cổ - một chiếc vòng bạc trắng to được đeo ở cổ làm nổi bật trên nền chàm.
Theo thạc sĩ Trần Minh Trí, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Bảo tàng Đồng Nai, trang phục truyền thống là sản phẩm văn hóa vật chất, chứa đựng nhiều đặc trưng văn hóa tộc người. Trong đó, thổ cẩm của đồng bào DTTS không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn biểu hiện đặc điểm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… của tộc người. Thông qua các hoa văn trên thổ cẩm đã phản ánh được đặc điểm văn hóa, thế giới quan, nhân sinh quan của các tộc người ở Đồng Nai.
Chị A Mi Roh (dân tộc Chăm Islam, ngụ huyện Long Thành) chia sẻ: “Đồng bào Chăm Islam ở Long Thành rất tự hào về bộ trang phục của mình, dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng những nét đẹp văn hóa về trang phục truyền thống vẫn luôn được gìn giữ, lưu truyền”.
Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã thống kê, toàn tỉnh hiện có 14 nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn các huyện: Tân Phú, Long Thành, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Cẩm Mỹ. Thời gian qua, Đồng Nai đã trang bị hơn 50 bộ cồng, chiêng, chập chạ, trống, đàn tre, kèn bầu, ngũ âm, đàn tính cho các nhà văn hóa dân tộc thiểu số.
Tôn vinh giá trị di sản văn hóa
Ngày nay, trong xu thế hội nhập, đời sống người dân ngày càng nâng cao cùng với sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc nên trang phục của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh có sự cải tiến so với truyền thống. Nhiều cộng đồng dân tộc đang nỗ lực gìn giữ trang phục truyền thống. Các thế hệ trẻ được khuyến khích tìm hiểu và học cách dệt vải, may, thêu trang phục từ ông bà, cha mẹ. Một số địa phương như: Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán… đã tổ chức các lớp dạy thêu, dạy may, giúp người trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa của trang phục dân tộc.
Đặc biệt, ở một số địa phương trong tỉnh, trang phục không chỉ phục vụ đồng bào dân tộc, mà còn được một số hộ dân sản xuất, trở thành hàng hóa bán cho khách du lịch làm kỷ niệm. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi bà con các DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao nhận thức trong công tác tự bảo tồn, quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, nhất là những giá trị văn hóa kết tinh trong trang phục truyền thống.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Văn Khang cho biết, bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, trong đó có trang phục của đồng bào, rất quan trọng. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao các DTTS định kỳ - đây là dịp tôn vinh trang phục truyền thống và khẳng định bản sắc văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Hiện nay, việc ứng dụng hoa văn trên trang phục của đồng bào DTTS trong thiết kế thời trang được ứng dụng khá rộng rãi.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Sử, giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, các nhà thiết kế trẻ hiện nay đã và đang gửi gắm nét văn hóa truyền thống, mang hơi thở bản sắc dân tộc trong mỗi thiết kế của mình. Những chất liệu nguyên gốc truyền thống đã được các nhà thiết kế khéo léo xử lý bằng công nghệ hiện đại làm nên những mẫu trang phục đậm tính dân tộc.