Đặc sắc trang phục dân tộc La Chí
Đời sống văn hóa của đồng bào người La Chí khá phong phú, thể hiện đậm nét trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, kiến trúc nhà cửa, ăn uống, sinh hoạt tín ngưỡng và đặc biệt hơn, trang phục của người La Chí rất đặc biệt, không sặc sỡ, nhiều họa tiết, màu mè, nhưng luôn mang đậm chất riêng của dân tộc; cộng đồng người La Chí luôn đoàn kết và cùng nhau gìn giữ trang phục của mình từ đời này sang đời khác.
Trang phục truyền thống của người La Chí được làm nên từ những đôi bàn tay khéo léo của các bà mẹ, các chị em gái từ trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm và may thêu... Là một trong những trang phục mang gam màu trầm của thiên nhiên núi rừng nhưng khá cầu kỳ dù không có nhiều màu sắc, kiểu cách như một số dân tộc khác, mà chỉ chuẩn một mẫu nam, nữ. Đàn ông La Chí mặc quần lá tọa, áo năm thân, cài khuy áo nách phải, quấn khăn đầu và đeo vòng (người La Chí sau khi lấy vợ, lấy chồng sẽ thường đeo vòng bạc ở tay thay nhẫn, vì vậy, vòng tay cũng là một trong những cách nhận biết họ đã lập gia đình hay chưa).
Đối với trang phục nữ thì mặc áo tứ thân, đai buộc ngang thắt lưng có chùm dây bạc ngang hông phải, váy đến bắp chân, yếm, xà cạp chân; người lớn quấn khăn đầu, trẻ em thì đội mũ có gắn họa tiết phù hợp như hoa, đồng bạc,... Tất cả các chi tiết, bộ phận kết thành quần, áo, váy đều nhuộm chàm và từ vải dệt bông. Trên trang phục của người La Chí thể hiện những hoa văn tinh xảo không sặc sỡ nhưng khá độc đáo với các nét thêu thẳng hàng, hình zíc zắc, hình đồng hồ cá, hình cây lúa,... thể hiện những hình ảnh cuộc sống tăng gia sản xuất, anh em đoàn kết...; tất cả được thêu trên khăn, yếm là chủ yếu. Đặc biệt, trang phục của phụ nữ La Chí, điểm nhấn chính là yếm có nhiều hoa văn thêu nhỏ đẹp, hoa văn hình 4 cánh bằng chỉ đỏ zic zắc và những cô gái trưởng thành mới đeo yếm. Qua trang phục có thể nhận thấy sự khéo léo, cẩn thận và tinh tế của phụ nữ La Chí qua từng sợi kim, mũi chỉ. Để có vải để may quần áo cần rất nhiều thời gian và công đoạn, từ trồng bông, se sợi, dệt vải sau đó nhuộm màu để thêu may.
Người La Chí quan niệm rằng, khi sang cõi âm phải mặc bộ áo vải nhuộm chàm mới, không được mặc áo khác. Cho nên, người La Chí luôn trân trọng bộ trang phục của mình và thường dành phần đất tốt nhất để trồng bông, trồng cây Chàm để có sợi dệt, chàm để nhuộm. Cũng từ đó, nghề trồng bông dệt vải đã trở thành một trong những nét đặc sắc của dân tộc La Chí.
Chị Vàng Thị Lan, xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) chia sẻ: Từ nhỏ chúng tôi đã được bà, mẹ dạy thêu, chúng tôi lớn lên phải tự may áo cho mình và cho bà để báo hiếu, đặc biệt phải biết may túi để tặng người mình thương. Vì vậy, hầu như các cô gái ở Bản Phùng khi đi làm đều mang vải theo để thêu lúc nghỉ ngơi...
Em Vương Thị Hoa, dân tộc La Chí, học lớp 5, Trường PTDTBT Tiểu học Nà Khương (Quang Bình) chia sẻ: Thường đi học ở trường, vào thứ Hai hàng tuần, chúng em luôn được mặc quần áo dân tộc đến lớp, em thấy áo dân tộc mình rất đẹp và mỗi khi có văn nghệ cũng đều được mặc áo La Chí và dân tộc khác để múa, hát.
Ngày nay, đến những nơi có đồng bào La Chí sinh sống như ở các thôn, xã của huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình và huyện Bắc Hà (Lào Cai) chứng kiến những sinh hoạt thường ngày và sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho thấy: Sinh hoạt văn hóa của người La Chí có sự cởi mở, hòa nhập với các cộng đồng dân tộc khác cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, nhưng người La Chí vẫn giữ được nét đặc sắc trong trang phục. Họ không chỉ mặc vào dịp lễ, tết, chơi hội hay đám cưới mà cả trong sinh hoạt thường ngày, già trẻ vẫn thường khoác trên mình trang phục duyên dáng ấy, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc La Chí nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung.
Bài, ảnh: Vương Mai
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202009/dac-sac-trang-phuc-dan-toc-la-chi-765759/