Đặc sắc văn hóa Phố Hiến

Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, Hưng Yên là vùng đất phát triển từ rất sớm, trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn gắn liền với câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Hưng Yên đã sáng tạo, gìn giữ và trao truyền cho hôm nay một kho tàng di sản văn hóa hết sức đặc sắc, độc đáo góp phần làm phong phú thêm những di sản văn hóa dân tộc.

Biểu diễn múa rồng tại lễ hội đền Phù Ủng (Ân Thi)

Ảnh tư liệu

Với đặc thù là tỉnh đồng bằng, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên Hưng Yên mang nhiều sắc thái tiêu biểu của nền văn minh nông nghiệp. Các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại trên mảnh đất Hưng Yên hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa đặc sắc như: Đình, đền, miếu, chùa… cùng nhiều loại hình diễn xướng dân gian nổi tiếng, hàng trăm lễ hội truyền thống với hàng chục trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo và mạng lưới các làng nghề truyền thống còn được duy trì cho đến ngày nay.

Ở Hưng Yên hiện nay hầu như làng quê nào cũng có lễ hội truyền thống. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 500 lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điển hình là lễ hội đền Phù Ủng, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến… Cùng với các lễ hội truyền thống là các trò chơi dân gian. Hưng Yên hiện còn lưu giữ nhiều trò chơi dân gian cổ truyền như: Múa rồng, lân, thi cầu kiều, kéo co, chọi gà, cờ tướng ở lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến (thành phố Hưng Yên); cờ người, múa lân, múa rồng, múa rối nước, chọi gà, bắt vịt ở hội đền Tống Trân, xã Tống Trân (Phù Cừ); múa lân, chọi gà, đấu vật, đánh cờ ở đình Thanh Cù, xã Ngọc Thanh (Kim Động); vật lầu ở hội đình Quan Xuyên, xã Thành Công (Khoái Châu)…

Hưng Yên còn nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát trống quân của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều loại hình văn nghệ dân gian như hát chèo, múa rối nước, ca trù… cũng tồn tại, lưu truyền từ đời này qua đời khác trên mảnh đất này. Từ vốn văn hóa truyền thống phong phú ấy đã bộc lộ những nét nhuần nhị, trữ tình, lạc quan, đầy lãng mạn trong tính cách của người xứ Nhãn. Nét đặc sắc trong văn hóa của người Hưng Yên còn mang đặc trưng của sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo, được hình thành, đi lên bằng sức lao động của con người. Người Hưng Yên đã tạo ra những đặc sản truyền thống nức tiếng như tương Bần, hạt sen, long nhãn, gà Đông Tảo, bún thang... Hưng Yên còn là quê hương của nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như chạm bạc Huệ Lai (Ân Thi), đúc đồng Lộng Thượng (Văn Lâm), hương Cao Thôn (thành phố Hưng Yên), mộc mỹ nghệ Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào)… Những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống này thể hiện sự sáng tạo khéo léo, tài hoa của con người xứ Nhãn.

Tự hào là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, người dân Hưng Yên còn mang trong mình niềm hãnh diện về một vùng đất văn hiến, hiếu học và rất trọng nhân tài, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn của đất nước. Lịch sử suốt 10 thế kỷ của triều đại phong kiến mở khoa thi (1075-1919), cả nước có 2.898 người đỗ đại khoa thì Hưng Yên có 228 vị, đứng thứ 4 cả nước. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và lĩnh vực nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi danh như: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Lê Hữu Trác... Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, vùng đất Hưng Yên cũng tự hào là nơi sinh ra những nhà hoạt động chính trị, những người chiến sĩ kiên trung như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương, Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc...

Phát huy truyền thống văn hóa đặc sắc của quê hương, Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân trong tỉnh đã chủ động, tích cực khơi dậy các truyền thống quý báu của tỉnh, khai thác hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh của quê hương để không ngừng đổi mới và phát triển. Đời sống văn hóa có sự chuyển biến sâu sắc, rõ nét. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng. Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở ngày càng hoàn thiện, nhất là hệ thống nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Đến nay, gần 100% số thôn, khu dân cư có nhà văn hóa; nhiều mô hình phát triển văn hóa sáng tạo, hiệu quả ở cơ sở. Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa được quan tâm, chú trọng. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển nhanh với nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng; bảo tồn hiệu quả những giá trị nghệ thuật truyền thống của địa phương. Những truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng quý báu của ông cha được duy trì, giữ vững và ngày càng phát triển, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Đông Vy

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202202/dac-sac-van-hoa-pho-hien-b18089a/