Đặc sản béo mầm ở Tây Bắc khan hiếm dịp Tết, khách Hà Nội 'đỏ mắt' tìm mua
Gần tết Nguyên đán, món đặc sản nức tiếng vùng Tây Bắc càng trở nên khan hiếm. Nhiều thực khách sành ăn ở Hà Nội sẵn sàng chi vài triệu tìm mua để thưởng thức dịp cuối năm, chiêu đãi khách quý.
Nhộng ong đất là nguyên liệu chế biến món ăn khá nổi tiếng ở Tây Bắc, được tìm thấy nhiều trong các khu rừng sâu tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La…
Anh Nguyễn Hải (ở Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) cho biết, khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch hằng năm là thời điểm nhộng ong đất xuất hiện nhiều và đạt chất lượng nhất.
Tùy điều kiện thời tiết và đặc trưng từng vùng, mùa nhộng ong đất có thể đến sớm hay muộn hơn, kéo dài 2-3 tháng.
Theo anh Hải, dịp cuối năm, gần tết Nguyên đán, nhộng ong đất khá khan hiếm, lượng khai thác không nhiều. Tuy nhiên, thời điểm này, nhu cầu tìm mua của khách sành ăn tăng cao nên người bản địa không ngại di chuyển vào rừng sâu để tìm kiếm nhộng ong đất.
“Nhộng ong đất được đánh giá là món ăn bổ dưỡng, hương vị lạ miệng thơm ngon nên giá thành cao. Bởi vậy, dù việc khai thác gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vùng núi cao vẫn vào rừng tìm tổ ong để thu hoạch nhộng về bán”, người này tiết lộ.
Vào mùa, nhộng ong đất được bán với giá dao động từ 250.000 – 350.000 đồng/kg, song tăng lên khoảng vài chục ngàn đồng khi đến Tết. Thậm chí, thời điểm này, thực khách trả giá cao cũng khó mua vì “cung không đủ cầu”.
Anh Hải cho hay, nhộng ong đất có thể chế biến thành nhiều món ăn như chiên giòn, hấp nguyên tổ, xào măng chua, nấu canh… nhưng ngon và được ưa chuộng hơn là món nhộng ong rang lá chanh.
Để món ăn đạt chất lượng thơm ngon, người ta thường chọn loại nhộng bánh tẻ (không quá già hoặc quá non), mọng sữa, màu trắng ngà, kích cỡ chừng ngón tay út.
Khi thu hoạch, nhộng vẫn nằm trong sáp. Người ta khéo léo gỡ lấy nhộng rồi nhúng vào nước nóng để thịt săn lại, tránh làm vỡ bung nhộng ra. Sau đó rửa qua với nước muối pha loãng để sát trùng, loại bỏ nhớt rồi rửa lại nhẹ nhàng bằng nước sạch.
Tùy từng nơi và sở thích từng nhà, người ta có thể sơ chế sạch rồi rang nhộng ngay, giữ mức lửa vừa và đảo nhẹ tay để nhộng không bị vỡ mà vẫn giữ được vị ngon ngọt, béo ngậy tự nhiên.
Món ăn này chế biến đơn giản, không cần nêm nếm gia vị cầu kỳ, chỉ chút muối và lá chanh thái nhỏ nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn, trở thành món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu.
Anh Hải nói thêm, ở Điện Biên còn có món nhộng ong đất dầm trám đen độc đáo.
Nhộng ong sau khi sơ chế sạch sẽ hấp khoảng 5 - 7 phút, đảm bảo giữ được hình dáng, màu sắc và hương vị nguyên bản. Sau đó, người ta đem dầm nhộng với thịt quả trám đen rồi bọc trong xôi nếp nương.
Vì nhộng ong đã được dầm nhuyễn nên ngay cả những người nhìn nhộng ong đã thấy sợ vẫn có thể thưởng thức được món ăn này.
Chị Mai Phương (ở Hà Nội) từng có dịp thưởng thức món nhộng ong đất dầm trám đen, bọc xôi nếp nương của người Thái đen ở Điện Biên tại Festival Thu Hà Nội năm 2023.
Sau khi nếm thử, chị Phương không khỏi ấn tượng trước vị bùi bùi, béo ngậy, dậy mùi thơm từ nhộng ong.
“Khi về nhà, tôi lên mạng tìm hiểu thì được biết nhộng ong đất là món ăn phổ biến ở Tây Bắc. Vì yêu thích hương vị lạ miệng này mà 2 năm nay, vào mùa nhộng, tôi đều đặt mua, mỗi lần 5-7kg về trữ đông ăn dần hoặc biếu gia đình.
Cách tết Nguyên đán năm nay khoảng 1,5 tháng, tôi lại đặt mua nhưng thời điểm này, nhộng ong đất hiếm hơn. Dù chấp nhận trả giá cao hơn 450.000 đồng/kg nhưng tôi cũng chỉ gom được vài lạng, để dành bổ sung dinh dưỡng cho các thành viên, ăn giải ngấy và chiêu đãi khách quý trong dịp năm mới”, chị Phương bày tỏ.
Mặc dù được nhận xét là ngon, bổ dưỡng, mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như góp phần khắc phục chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ… nhưng món ăn từ nhộng ong đất không phải ai cũng dám thử, nhất là với người có cơ địa dễ dị ứng.
Vì vậy, thực khách cần cân nhắc và chỉ nên ăn thử một lượng nhộng ong nhỏ trong lần đầu trải nghiệm. Nếu không thấy các biểu hiện mẩn ngứa, mặt đỏ bừng, choáng váng, đau bụng, nôn mửa thì có thể ăn tiếp.