Đặc sản chỉ có ở Bắc Giang, ăn một lần nhớ mãi không quên vì hương vị lạ
Đặc sản này được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau, tạo hương vị lạ miệng.
Bắc Giang có nhiều đặc sản nổi tiếng khiến du khách nao lòng, trong đó phải kể đến nham trám. Đây là món ăn được chế biến từ cá chép, trám đen, thịt ba chỉ, rau thơm.
"Có lẽ nham trám là món đặc sản đặc trưng chỉ có ở Bắc Giang quê mình. Thoạt nghe ai cũng nghĩ cách chế biến món ăn này khá đơn giản, chỉ cần tìm đủ nguyên liệu là xong. Nhưng thực tế chế biến chúng khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian", chị Luyến (30 tuổi, quê Bắc Giang) cho hay.
Được biết, trám đen phổ biến ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và được trồng nhiều ở Lạng Sơn, Bắc Giang. Riêng ở Bắc Giang, trám đen làng Vân Xuyên và làng Vạn Thạch ven sông Cầu là thơm bùi nhất, được nhiều người ưa chuộng khi chế biến đặc sản này.
"Trám đen thuộc loại cây thân gỗ, sống trên 100 năm, thường ra hoa vào tháng 2 và chín quả vào tháng 7. Quả trám khi chín có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như xôi trám, trám ngâm mắm, trám ngâm tương... Trong đó, người dân quê mình thích thú nhất với nham trám", chị Luyến nói.
Để làm ra đặc sản nham trám, người Bắc Giang thường chuẩn bị trám đen, cá chép, thịt ba chỉ, khế chua, hoa chuối, đậu phộng giã nhuyễn, vừng. Đặc biệt, món ăn này không thể thiếu các loại lá như lá gừng, đinh lăng, xương sông, vừng non, núc nác, tía tô, lá sung...
Ban đầu, người ta đem trám đen tách vỏ, bỏ hạt lấy cùi rồi thái nhỏ, rửa sạch rồi lộc sơ với muối loãng. Đợi trám nguội xong, họ sẽ đem cất vào một vại to trong 2-3 ngày rồi mới đem ra dùng. "Bước này gọi là om trám, giúp trám ăn không bị quá cứng hay quá mềm.
Còn cá chép sẽ được họ làm sạch và tẩm ướp gia vị rồi đem nướng cho thịt săn chắc. Thịt ba chỉ phải lựa loại tươi, có nạc có mỡ để không bị quá khô hoặc quá ngấy.
Sau đó, người ta đem nướng thịt ba chỉ trên than hồng để có được mùi thơm đặc trưng. Nướng xong, thịt sẽ được bỏ bì, cắt thật mỏng", người phụ nữ Bắc Giang cho hay.
Hỗn hợp lá được rửa sạch cắt nhỏ vừa đủ để khi đem trộn có thể thấm đều gia vị. Luyến cho biết, từng công đoạn phải đúng, không nhiều không thiếu để món đặc sản có được vị ngon nhất. Tất cả các nguyên liệu thái nhỏ và trộn đều với nhau theo một tỉ lệ nhất định.
Sau khi hoàn tất mọi công đoạn, người ta sẽ trút nham ra đĩa, rắc thêm đậu phộng giã nhuyễn lên trên. Khi ăn, du khách có thể dùng kèm với chén nước tương.
"Khi thưởng thức đặc sản này, du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm của cá, thịt nướng; mùi béo ngậy của trám đen cùng các loại rau gia vị'. Mình tin rằng ai từng thưởng thức đặc sản này sẽ nhớ mãi không quên hương vị ấy", chị Luyên cho hay.