Đặc sản của Huế
Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái 'dạ dày'. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.
Làng hương Thủy Xuân gần lăng Tự Đức giờ có vẻ ăn nên làm ra cũng nhờ áo dài và cổ phục… Và còn gì nữa? Rất nhiều: cảnh quan thiên nhiên - có núi, có biển, có đầm phá (vùng nước lợ giao nhau giữa biển và nước ngọt), có nước lạnh thì cũng có nước nóng (nước khoáng nóng Mỹ An). Tính ra cả tỉnh Thừa Thiên Huế có đến 3 mỏ nước khoáng nóng là: Mỹ An, Thanh Tân, A Roàng. Nguồn nước khoáng nóng Thanh Tân sinh ra một loại nước khoáng đóng chai bán rất chạy. Một tài liệu từ thời Pháp để lại thì nước khoáng nóng Thanh Tân là một trong những nguồn nước nóng giàu có bậc nhất về lượng khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Nước nóng Mỹ An giờ làm du lịch theo kiểu Nhật hái ra tiền. Rồi kiến trúc (nhà vườn, nhà rường)… Mới kể thế đã thấy nhiều đặc sản rồi!
Và tôi đã đi nhiều nơi, nhìn ngó, ngẫm nghĩ, so sánh… thì tôi thấy Huế còn một đặc sản nữa, đó là cây xanh. Tôi nghĩ đến điều này là bởi nhiều thành phố rất thiếu cây xanh. Đô thị trung tâm tỉnh cũng thiếu cây xanh. Xuống đến đô thị loại ba loại bốn gì đấy, cũng là đô thị lại càng thiếu cây xanh. Chúng ta cứ hình dung một con đường vào mùa nắng nóng, đường có cây xanh và đường không có cây xanh khác nhau nhiều lắm. Một nhà vườn và một nhà hộp là rất khác nhau. Một môi trường sống gắn với cây xanh tốt hơn một môi trường sống có ít hoặc thiếu hẳn cây xanh chắc ai cũng biết nhưng để có nhiều cây xanh cũng không hẳn là ai cũng làm như nhau. Cho nên có cây xanh hay không, không chỉ cần có điều kiện mà cần có ý thức về nó trước. Chung cư á, diện tích đâu để trồng? Thế thì phải thiết kế cho cây xanh “leo lên”, “rủ xuống” ở từng căn hộ. Đó chính là ý thức về cây xanh.
Ở Huế thì không cần đọc những con số thống kê về cây xanh như: số lượng, loại, mật độ, phân bố… làm chi cho “nhức đầu”, mà chúng ta có thể cảm nhận bằng trực quan và cảm giác. Trực quan là thấy cây xanh nhiều, ở đâu cũng có. Những con đường cũ thì cây xanh cổ thụ đã hẳn, nó đi vào cả thơ ca, nhạc họa. Một con đường mở ra hoặc chỉnh trang là cây xanh đi theo cùng. Đã có cây xanh rồi lại còn bổ sung thêm nước (một thành phố có rất nhiều dòng sông mà sông Hương là một dòng sông nổi tiếng). Tôi tạm định nghĩa từ đặc sản - đặc sản là đặc sắc, là khác biệt, là quý, là ít nơi nào tạo dựng được một hệ sinh thái như vậy… Nếu thống nhất như thế thì cây xanh cũng có thể gọi là một đặc sản. Nhớ năm nào đó, một cây xà cừ trên đường ven sông Hương bật gốc, TP. Huế tìm cách di chuyển nó đã trở thành một sự kiện cho truyền thông. Họ đưa tin khi nó bị bật gốc. Rồi chỉ ra tuổi đời của nó là mấy trăm năm. Rồi thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tìm cách cứu nó như thế nào; rồi vị trí di chuyển nó; và đến khi nó phục hồi… Chỉ một cây xanh mà truyền thông quan tâm đến nó như thế thì không đáng gọi là đặc biệt thì gọi là gì?
TP. Huế giữ gìn cây xanh, tôn tạo cây xanh, thiết kế cây xanh… là hẳn rồi. Giờ chúng ta phải nghĩ đến những loại đô thị ở cấp thấp hơn, ví dụ như trung tâm thị xã, huyện, xã. Những vùng này đang trong quá trình đô thị hóa, có nơi tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Dù có đô thị loại mấy cũng là đô thị, cũng là nơi tập trung đông dân cư và dịch vụ ngày càng phát triển. Chúng ta phải quan tâm dành quỹ đất và các điều kiện để phát triển cây xanh ở những nơi này. Đề cập đến điều này là bởi nhiều nơi ít quan tâm đến phát triển cây xanh. Nếu chúng ta “ham” tiền bán đất thì cũng đồng nghĩa với đất cho cây xanh sẽ ít đi. Giờ “cái dạ dày” không còn đói nữa thì chúng ta cần quan tâm về đời sống tinh thần hơn. Cây xanh sẽ làm cho đời sống tinh thần phong phú hơn. Nói một cách vui tươi là nó làm cho chúng ta lãng mạn hơn, yêu đời hơn và… có khi là làm được cả thơ nữa ấy chứ!
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/dac-san-cua-hue-138447.html