Đặc sản dày đặc giữa dòng sông Hậu, nông dân 'vớt lên' 7 tỷ/năm
Mỗi năm ông Bảy Bon (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thu lợi nhuận trên 7 tỷ đồng từ đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá thác lác.
Hơn 20 năm gắn bó, mưu sinh trên dòng sông Hậu, trải qua bao thăng trầm, vất vả, ông Lý Văn Bon (tự là Bảy Bon, sinh năm 1967, ngụ khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã gặt hái được quả ngọt, với cơ ngơi vững chắc.
Ngoài việc nuôi, chế biến các sản phẩm từ cá thác lác, ông còn làm du lịch nông nghiệp, tạo sinh kế, giúp nhiều lao động địa phương tăng thu nhập, cải thiện đời sống...
Năm 2023, ông là 1 trong 75 gương điển hình tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần thứ 2, ông được nhận phần thưởng cao quý này.
Điểm đến hấp dẫn
Tết Nguyên đán vừa qua, chúng tôi có dịp đến Cồn Sơn và có được nhiều trải nghiệm hấp dẫn tại bè cá của ông Bảy Bon.
Thời điểm Tết, đò du lịch ghé chở khách lên tham quan bè cá nườm nượp. Dù khách đến từ nhiều tỉnh, thành, thậm chí là khách nước ngoài, hễ đi Cồn Sơn là đều được ghé bè cá của ông Bảy Bon.
Anh Nguyễn Thành Tính, du khách đến từ tỉnh Hải Dương, cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi đến tham quan bè cá này. Đến đây, tôi được trải nghiệm thú vị, nhất là có thêm kiến thức về quy trình nuôi, sinh trưởng của nhiều loài cá nước ngọt”.
Ông Bảy Bon, tỷ phú nông dân nuôi cá nước ngọt, cá đặc sản giữa dòng sông Hậu tại Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) bên bè cá của mình.
Ông Bảy Bon được nhiều người ví von là “vua cá thác lác” bởi ông là người tiên phong mang con cá này về nuôi trong lồng bè trên sông Hậu. Ngoài ra, điểm đặc biệt nhận được sự quan tâm của nhiều du khách có lẽ là sự đa dạng các loài cá.
Trong đó, có những loài cá quý hiếm, độc lạ và cả những loài có giá trị kinh tế cao. Anh Lê Thành Quý, khách du lịch ở tỉnh Cà Mau, cho biết: “Điểm du lịch này khá hấp dẫn, với nhiều loài cá độc, lạ. Tôi và gia đình rất thích khi đến trải nghiệm tại đây”...
Năm nay, ông Bảy Bon hơn 57 tuổi, dáng người lực điền, giọng nói trầm ấm… dễ gây ấn tượng với người đối diện.
Ông Bảy Bon bộc bạch: “Tôi nuôi nhiều loài cá. Việc này vừa bảo tồn loài cá, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, khi con này mất giá thì có con khác cứu lại. Ngoài ra, tôi còn làm nhiều nghề, từ việc nuôi, chế biến, du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương”.
Hiện tại, ông Bảy Bon đang sở hữu hơn 30 lồng bè lớn, nhỏ, với 12 loại cá khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là cá thác lác thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Mỗi năm, ông xuất bán từ 700 tấn trở lên. Không chỉ vậy, ông còn đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá thác lác, như: ướp muối sả, rút xương, chả cá...
Sản phẩm được đóng gói, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu HACCP, cung cấp khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước. Mỗi năm ông Bảy thu lợi nhuận trên 7 tỉ đồng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động.
Bén duyên với dòng sông Hậu
Để có được thành quả ngọt như hôm nay, ông Bảy Bon thầm cảm kích ông Philip Serene - Tiến sĩ thủy sản người Pháp…
Ông Bảy Bon quê ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, không theo nghề, ông Bảy Bon về làm việc tại Cục Hải quan tỉnh Cà Mau. Tại quê nhà, ông Bảy vẫn thử sức với 3.000m2 nuôi cá tra, cá bổi, cá lóc.
Năm 1998, trong một lần đi công tác, ông quen biết với ông Philip Serene. Và vị Tiến sĩ thủy sản người Pháp này đã tiếp thêm niềm tin cho ông Bảy Bon khi chắc chắn rằng trên thế giới, không có nơi nào thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt như dòng MeKong.
Qua thời gian nghiên cứu, biết được giữa dòng sông Hậu, Cồn Sơn là nơi lý tưởng để đặt bè nuôi cá vì nơi đây có dòng nước chảy mạnh, ít bị ô nhiễm sẽ giúp cá nuôi mau lớn, ông Bảy Bon chính thức xin nghỉ việc để thực hiện ước mơ của mình.
Năm 2000, ông cùng vợ và con trai 7 tuổi khăn gói lên Cồn Sơn, lập nghiệp bằng 2 lồng bè nuôi cá điêu hồng, với số vốn 200 triệu đồng.
Ông Bảy Bon bộc bạch: “Ban đầu, tôi chọn nuôi cá điêu hồng vì thời điểm đó, loài cá này được người tiêu dùng ưa chuộng. Hơn nữa, cá điêu hồng vừa dễ nuôi, vừa đầu tư ít, thời gian thu hoạch ngắn, lợi nhuận cao”.
Sau đó vài năm, diện tích nuôi cá điêu hồng tại các địa phương tăng mạnh. Tình trạng “được mùa, mất giá” tiếp diễn. Năm 2012, sau nhiều lần suy tính, ông Bảy Bon chọn cá thác lác cườm thay thế cho cá điêu hồng.
Ông Bảy Bon cho biết: “Cá thác lác là loài thủy sản được người dân tỉnh Hậu Giang nuôi trong ao đầm, số lượng không nhiều. Tôi thử sức đưa xuống nuôi trên dòng nước chảy.
Được sống trong môi trường gần như tự nhiên, độ sâu, dòng nước chảy chuẩn, nước ít bị ô nhiễm nên cá không chỉ mau lớn mà còn rất ngon. Với ưu điểm thịt dai, giòn, ngọt và thơm đặc trưng nên loại cá này rất thích hợp để làm chả - món đặc sản của người miền Tây từ trước tới nay”.
Không phải lúc nào cũng thu được quả ngọt, cũng có những lúc “trầm”, cá chết hàng loạt, thua lỗ hàng tỉ đồng, nhưng ông Bảy Bon vẫn không nản chí.
“Thất bại, vấp ngã ở đâu thì đứng lên từ chỗ đó” - nghĩ vậy, ông tiếp tục gắn bó với nghề nuôi cá. Ông tìm tòi cách nhân giống cá thác lác để thích ứng với điều kiện tự nhiên trên sông.
Không chỉ vậy, ông còn thả nuôi các loại cá quý hiếm trên dòng MeKong đang bị mai một như: cá hồng vĩ, cá heo sông, cá leo, cá mê rỗ, cá chạch lấu, cá hô, cá trà sóc, cá ét, cá he, cá trê hồng, cá koi, cá lăng đuôi đỏ…
Với nhiều loài cá độc, lạ, ông đã mạnh dạn tham gia Câu lạc bộ làm du lịch sinh thái với bà con nhà vườn trên Cồn Sơn phục vụ du khách tham quan hơn 2 năm nay.
Hằng năm, cơ sở của ông tiếp đón hơn 36.500 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Năm 2022, ông phối hợp các hộ dân trên địa bàn đề nghị Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ thành lập Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Cồn Sơn; tổ chức khánh thành Phòng thông tin nghề cá trên dòng sông Hậu theo Dự án Picsic Cồn Sơn…
Ngoài ra, ông còn hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho 28 lao động, giúp đỡ có hiệu quả cho 12 lượt hộ về kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh...
Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: “Ông Lý Văn Bon là nông dân tiêu biểu của thành phố.
Ông có nhiều ý tưởng làm ăn nhạy bén, mới lạ đem lại thu nhập cao cho gia đình và tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương. Với thành tích nổi bật, đóng góp trên, năm 2023, ông là 1 trong 75 gương điển hình tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là lần thứ 2, ông được nhận phần thưởng cao quý này…”.
Tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được ông Bảy Bon đặt trang trọng ngay tại bè cá. Đó không chỉ là niềm tự hào mà đối với ông nó còn có giá trị tinh thần to lớn, khích lệ ông cùng gia đình càng nỗ lực góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.