Đặc sản Huế vào siêu thị
Việc đưa nông, đặc sản địa phương vào các siêu thị góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm, mở ra hướng phát triển mới đầy triển vọng cho người sản xuất.

Giới thiệu các sản phẩm địa phương cho khách ở Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế
Những cái bắt tay
Thời kỳ còn Big C Huế, đây là cơ sở duy nhất trong chuỗi hệ thống siêu thị Big C ở khu vực miền Trung có quầy đặc sản địa phương. Quầy “Đặc sản Huế” nằm tại vị trí dễ tìm nhất ở siêu thị, với các sản phẩm mè xửng Thiên Hương, rau Hóa Châu (Quảng Điền), trà rau má Quảng Thọ (Quảng Điền)...
Trước đây, để hỗ trợ cho sản phẩm của bà con vùng cao, UBND huyện A Lưới đã phối hợp với Tập đoàn Central Group Việt Nam đưa chuối già lùn A Lưới vào bày bán ở kênh bán lẻ hiện đại tại 20 siêu thị Big C khu vực miền Trung và miền Nam. Với giá bán 12.900 đồng/kg, số lượng sản phẩm tiêu thụ đạt khoảng 15 tấn/tháng, góp phần nâng cao giá trị nông sản cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới.
Cùng với Big C, ngay từ khi mới ra đời, Co.op mart Huế cũng tạo được ấn tượng với quầy hàng “Huế Thương”, góp phần đưa các sản phẩm đặc sản, nông sản Huế đến gần hơn với người tiêu dùng.
Một trong những dấu ấn của Trung tâm thương mại AEON MALL Huế vừa mới khai trương gần đây là 10 gian hàng bày bán các sản phẩm địa phương, với tên gọi Đỗ Quyên ở trung tâm tầng 1, diện tích chừng 200m2. Trong số nhiều sản phẩm bày bán, người tiêu dùng đến đây có thể tìm mua các loại mứt đặc sản Huế, gia vị của Huefarm, các sản phẩm từ sâm Bố Chính của SBC Hoàng Gia…

Sản phẩm địa phương trong siêu thị được nhiều khách mua làm quà tặng
Chị Nguyễn Thị Linh (ở phường Vĩnh Ninh, quận Thuận Hóa) đang mua sắm ở AEON MALL chia sẻ: “Nhiều năm nay, gia đình tôi quen đi siêu thị GO!, Co.opMart, mới đây mới có AEON MALL Huế, nhưng thường xuyên nhất vẫn là siêu thị nhỏ Vinmart gần nhà. Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là nông sản được bảo quản đóng gói tươm tất, cho thấy an toàn hơn".
Đến gần thị trường đông dân nhất
Trung tuần tháng 11/2024, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chương trình kết nối, xúc tiến thương mại cho nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương để đưa vào hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Các mặt hàng tiêu biểu mang theo để chào bán ở đô thị sầm uất này gồm các loại thức uống như trà Cung đình, các loại tinh dầu tự nhiên hay sản phẩm đóng gói ăn liền (bánh canh cá lóc, bánh canh cá rô, bún xào nghệ…), gia vị bún bò Huế, các sản phẩm đồ khô hay mặt hàng tươi sống vùng đầm phá, nước mắm cá nục truyền thống Thuận An - Huế, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP 4 - 5 sao của địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: “Tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn đã có chương trình làm việc về hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của tỉnh đến hệ thống siêu thị KingFood Mart, với hơn 30 sản phẩm được giới thiệu. Đây là hệ thống chuỗi siêu thị chuyên cung cấp các sản phẩm đặc sản vùng miền của Việt Nam, với số lượng hơn 80 chuỗi cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Qua chương trình, đã kết nối thành công 25 sản phẩm đặc sản của Huế đến hệ thống chuỗi siêu thị KingFood Mart”.
Cũng theo ông Trường, sẽ kết nối thêm 10 - 15 sản phẩm tiêu biểu nữa của Huế vào hệ thống siêu thị KingFood Mart ở TP. Hồ Chí Minh. Thông qua chương trình này, các đơn vị sản xuất sản phẩm đặc sản của địa phương và đơn vị phân phối đã có sự trao đổi trực tiếp để có những điều chỉnh hợp lý, đáp ứng các tiêu chí cụ thể, đưa sản phẩm đặc trưng của Huế đến gần hơn với thị trường đông dân nhất cả nước.
Triển vọng từ OCOP
TP. Huế có nhiều sản vật nổi tiếng gắn với một thời cung đình, cũng như những món ăn dân dã đã trở thành thương hiệu của vùng đất di sản. Gần đây, nhờ ứng dụng dây chuyền máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, nhiều sản phẩm đã được sản xuất với quy mô lớn và chất lượng cao. Cùng với việc xúc tiến và quảng bá rộng rãi sản phẩm truyền thống, trong đó có nông sản xuất hiện ở hệ thống siêu thị ngày càng nhiều hơn.
Những đặc sản nông sản của thành phố thời gian qua luôn được bổ sung nhờ làm tốt chương trình OCOP, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trà rau má Quảng Thọ được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố đạt 4 sao là một điển hình. Từ năm 2015, được sự quan tâm đầu tư, rau má Quảng Thọ đưa vào sản xuất theo quy trình VietGAP và qua kiểm tra, đạt chất lượng sản phẩm rau an toàn. HTX Quảng Thọ 2 đã xây dựng nhà máy thu mua và chế biến. Với hệ thống máy móc, quy trình công nghệ hiện đại, HTX đã cho ra đời các sản phẩm “Trà rau má túi lọc”, “Trà rau má sấy khô” và “Bột matcha rau má” cung ứng ra thị trường cả nước.
Huế hiện có nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu như nước ớt Vinh Xuân, dưa lưới Vinh Hưng, thanh trà Thủy Biều, rau các loại Quảng Thành, hành lá Hương An, bưởi da xanh Phong Điền, gạo An Lỗ... Toàn tỉnh hiện có 90 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chí sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, 18 sản phẩm đạt 4 sao, 68 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng.
Ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng, hoạt động xúc tiến, kết nối, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đặc trưng của Huế tại TP. Hồ Chí Minh mới đây có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Để các sản phẩm nông sản truyền thống được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, đi vào hệ thống siêu thị, trước hết phải nằm trong quy hoạch danh mục sản phẩm kinh doanh của từng siêu thị; sản phẩm phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn OCOP và giá cả hợp lý so với sản phẩm tương tự trên thị trường; đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng đầu vào… Những vấn đề này đang được các cấp, các ngành quan tâm nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu cũng như trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về vận hành, sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm đầu ra ổn định cho nông sản, thủy sản đặc trưng của thành phố trong thời gian tới.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/dac-san-hue-vao-sieu-thi-150246.html