Cuộc chơi lớn giữa các doanh nghiệp ngành vật liệu chịu lửa
Không chỉ là nhà đầu tư châu Âu đầu tiên xây dựng nhà máy tại Việt Nam, sự hiện diện của One Refractories còn báo hiệu một làn sóng 'tái cấu trúc công nghệ ngành vật liệu chịu lửa' đang âm thầm khởi động, với kỳ vọng nâng tiêu chuẩn toàn thị trường.

Không còn là thị trường “âm thầm”, ngành vật liệu chịu lửa đang dần trở thành điểm sáng mới
“Nút giao chiến lược” chuỗi cung ứng toàn cầu
Tập đoàn One Refractories, doanh nghiệp gần 100 năm tuổi đến từ Bỉ, vừa chính thức đánh dấu bước tiến vào châu Á bằng việc ký kết hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp Long Đức (Đồng Nai), triển khai nhà máy đầu tiên tại Việt Nam với diện tích hơn 2.000 m².
Đây là bước đi chiến lược không chỉ với One Refractories, mà còn mang ý nghĩa biểu tượng trong bối cảnh ngành vật liệu chịu lửa toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuyển dịch công nghiệp.
Thành lập từ năm 1925, One Refractories là một doanh nghiệp gia đình chuyên cung cấp vật liệu chịu lửa cao cấp cho các ngành cốt lõi như xi măng, luyện kim, thép... Từ chỗ phủ sóng toàn thị trường châu Âu, công ty đang mở rộng sang châu Á với chiến lược dài hạn đặt nền móng tại Việt Nam.
Chúng tôi muốn góp phần vào bức tranh công nghiệp sôi động của Việt Nam và cam kết xây dựng hiện diện bền vững tại đây.
- Ông Charles Henri Muller, Tổng giám đốc One Refractories khu vực châu Á
“Chúng tôi muốn góp phần vào bức tranh công nghiệp sôi động của Việt Nam và cam kết xây dựng hiện diện bền vững tại đây”, ông Charles Henri Muller, Tổng giám đốc One Refractories khu vực châu Á, cho biết.
Với vị trí chiến lược, cách TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành chưa đầy một giờ di chuyển, cùng hệ sinh thái đầu tư đang phát triển mạnh, Khu công nghiệp Long Đức đang nổi lên như một “cứ điểm” hấp dẫn cho các nhà sản xuất công nghệ cao.
Quyết định của One Refractories không chỉ phản ánh tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam, mà còn là ví dụ điển hình cho xu thế dịch chuyển công nghiệp về Đông Nam Á, nơi chi phí hợp lý hơn và chuỗi cung ứng đang được tái thiết sau đại dịch.
Theo Mordor Intelligence, thị trường vật liệu chịu lửa toàn cầu đang phục hồi mạnh, với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt gần 70 triệu tấn vào năm 2030, tăng trưởng trung bình 4%/năm giai đoạn 2025-2030. Ngành thép, chiếm 70% nhu cầu, tiếp tục dẫn dắt đà tăng, bên cạnh kim loại màu, thủy tinh và hóa chất. Cùng với nhu cầu đi lên, các tiêu chuẩn môi trường khắt khe đang thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiên phong như One Refractories với nền tảng R&D vững chắc. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn giữ vị thế thống lĩnh với 72% thị phần toàn cầu, nhờ năng lực sản xuất quy mô lớn và nguồn nguyên liệu nội địa dồi dào. Tuy nhiên, Ấn Độ đang nổi lên như thị trường tăng trưởng nhanh nhất, với các chính sách như “Made in India” thúc đẩy sản xuất nội địa và nhu cầu vật liệu chịu lửa tiên tiến.
Trong khi đó, dù Việt Nam chưa phải là thị trường tiêu thụ lớn, nhưng lại đang giữ vai trò là trung tâm sản xuất mới; một “nút giao chiến lược” trong bản đồ chuỗi cung ứng công nghiệp Đông Nam Á. Cuộc chơi trong thập kỷ tới sẽ không chỉ là về sản lượng, mà còn là cuộc đua công nghệ và khả năng thích ứng với các chuẩn mực toàn cầu mới.
Cuộc “so kè” âm thầm
Thị trường vật liệu chịu lửa tại Việt Nam vốn “thầm lặng” suốt nhiều năm, phục vụ các ngành nền tảng như xi măng, thép, năng lượng. Các doanh nghiệp nội địa như Viglacera, Đông Dương Phú Thọ, Gạch chịu lửa Cầu Đuống, Bảo Sơn… đang nắm giữ phần lớn thị phần trong phân khúc phổ thông, nhờ am hiểu thị trường, giá thành cạnh tranh và khả năng tùy biến linh hoạt.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước là công nghệ, đặc biệt ở phân khúc sản phẩm chịu lửa hiệu suất cao, vốn đòi hỏi đầu tư lớn, năng lực kỹ thuật cao và thời gian tích lũy dài hạn.
Sự gia nhập của One Refractories, vì thế đánh dấu một bước chuyển quan trọng. Không chỉ là nhà đầu tư châu Âu đầu tiên xây nhà máy tại Việt Nam trong lĩnh vực này, công ty còn mang theo năng lực công nghệ, giải pháp kỹ thuật và triết lý phát triển bền vững, những yếu tố có thể thiết lập lại tiêu chuẩn toàn ngành.
Ngoài One Refractories, nhiều tập đoàn toàn cầu như RHI Magnesita, Krosaki Harima, Vesuvius, Shinagawa Refractories… cũng đã có mặt tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh, đại lý hoặc đối tác kỹ thuật. Họ đang chiếm lĩnh phân khúc cao cấp; nơi yêu cầu khắt khe về hiệu suất, đặc biệt trong các nhà máy luyện kim, lò cao, tổ hợp hóa chất nặng.
Không dừng ở sản phẩm, các doanh nghiệp FDI còn cung cấp trọn gói giải pháp kỹ thuật, từ thiết kế lớp lót, bảo trì định kỳ đến tối ưu hiệu suất nhiệt. Đây là lợi thế vượt trội so với các sản phẩm nội địa.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực, nhu cầu vật liệu chịu lửa sẽ tiếp tục tăng; cả về khối lượng lẫn chất lượng. Các ngành công nghiệp mới như thép không gỉ, nhôm tái chế, hóa dầu, gốm kỹ thuật số… đòi hỏi vật liệu có khả năng chịu nhiệt ổn định, chống ăn mòn kim loại và bền hóa cao.
Thị trường đang phân hóa rõ nét, doanh nghiệp nội địa chiếm lĩnh phân khúc phổ thông, cạnh tranh bằng giá và quan hệ truyền thống; trong khi doanh nghiệp FDI mở rộng ở phân khúc trung, cao cấp nhờ lợi thế công nghệ, dịch vụ kỹ thuật và tư duy toàn cầu.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ, Việt Nam vẫn phụ thuộc nguyên liệu cao cấp nhập khẩu; chi phí R&D cao và khó triển khai nếu thiếu liên kết quốc tế; tiêu chuẩn từ khách hàng FDI ngày càng khắt khe, đặc biệt trong ngành luyện kim và hóa chất. Trong làn sóng tái cấu trúc toàn cầu ngành vật liệu chịu lửa, giới chuyên môn cho rằng những bước đi sớm và chiến lược như của One Refractories có thể tạo lợi thế then chốt cho cuộc đua dài hạn. Không còn là thị trường “âm thầm”, vật liệu chịu lửa đang trở thành chiến trường mới, nơi công nghệ, năng lực triển khai và tư duy toàn cầu quyết định phần thắng.