Đặc thù và môi trường như KCN, HS và GV ở cụm công nghiệp nên được hưởng hỗ trợ
Lãnh đạo trường MN, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo một số nơi đồng tình với đề xuất đưa thêm giáo viên, trẻ em cụm công nghiệp được hưởng hỗ trợ như KCN.
Theo vị này, công nhân tham gia hoạt động ở khu công nghiệp hay cụm công nghiệp, đặc thù về môi trường và điều kiện làm việc các đối tượng trên đều có tính tương đồng như nhau.
Do đó, chế độ chính sách cần được thực hiện như nhau để đảm bảo tính bình đẳng, khuyến khích động viên thầy cô giáo làm nghề cũng như đồng đều về Quyền trẻ em.
Ngày 08/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non trong đó có đưa ra mức hỗ trợ cho trẻ em và giáo viên trên địa bàn có khu công nghiệp.
Theo đó, tại Điều 8 Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp có nêu:
Trẻ em thuộc nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập; trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập; trường mầm non, lớp mầm non độc lập; các tổ chức, cá nhân có liên quan được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Và theo Điều 10 Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp có nêu:
Giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp đảm bảo các điều kiện:
Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non, tư thục; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/ lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.
Qua quá trình triển khai Nghị định 105, có một số kiến nghị cho rằng nên bổ sung thêm giáo viên, trẻ em ở các cụm công nghiệp vào diện được hưởng chính sách hỗ trợ (hiện nay chưa có quy định đối với cụm công nghiệp mà chỉ có ở khu công nghiệp).
Đồng tình với đề xuất này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Du, Bắc Ninh cho rằng đây là một chính sách nhân văn, cần thiết nhằm giúp công nhân, người lao động và đội ngũ giáo viên giảm bớt khó khăn.
Tổng số học sinh trên địa bàn huyện Tiên Du theo học các cấp là 4718 em, trong đó trường công lập có 3362 em, trường tư thục có 1356 em. Số giáo viên là 397 người, trong đó số giáo viên ở trường công lập là 298 người và số giáo viên ở trường tư thục là 99 người.
Hiện tại trên địa bàn huyện Tiên Du có 8 trường mầm non và 16 nhóm độc lập tư thục thuộc địa bàn khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc các xã Đại Đồng, Hoàn Sơn, Tân Chi, Phú Lâm.
Theo vị này, công nhân tham gia hoạt động ở khu công nghiệp hay cụm công nghiệp, đặc thù về môi trường và điều kiện làm việc các đối tượng trên đều có tính tương đồng như nhau.
Do đó, chế độ chính sách cần được thực hiện như nhau để đảm bảo tính bình đẳng, khuyến khích động viên thầy cô giáo làm nghề cũng như đồng đều về Quyền trẻ em.
Ngoài ra, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Du cũng cho rằng: “Cần có các chính sách hỗ trợ, xây dựng chính sách phù hợp, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến, yêu nghề, yêu trẻ”.
Về định mức, vị này mong muốn tăng các khoản hỗ trợ cho giáo viên mầm non. Thực tế hiện nay chế độ chính sách rất thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Nhiều thầy cô dù rất yêu nghề nhưng không thể tiếp tục công việc do gánh nặng kinh tế.
Do đó các khoản trong chính sách của cụm công nghiệp nên giống với khu công nghiệp và mức hỗ trợ nên điều chỉnh theo mức lương tối thiểu vùng.
Là trường học nằm trong địa bàn huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh), Hiệu trưởng trường mầm non Tân Chi hoàn toàn đồng tình với đề xuất nêu trên.
Hiện tại Trường mầm non Tân Chi có 430 trẻ là con của các lao động tại cụm công nghiệp.
Theo đó, vị Hiệu trưởng mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đưa kiến nghị này vào thực hiện với định mức tương đương chính sách ở khu công nghiệp. Đối với trẻ mầm non là tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng và với giáo viên là từ 800.000 nghìn đồng/người/tháng.
Thêm đối tượng hưởng hỗ trợ không chỉ mang ý nghĩa giúp trẻ đảm bảo được việc học mà còn giúp các thầy cô có thêm động lực để tiếp tục sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng trường mầm non Tân Chi cũng cho biết “Chúng tôi cũng hy vọng thời gian tới giáo dục mầm non sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn vào những ngày lễ, Tết để giáo viên phấn khởi, công tác tốt”.
Đồng tình với kiến nghị trên, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Việc đề xuất đưa thêm giáo viên, trẻ em cụm công nghiệp được hưởng hỗ trợ là một điều đáng mừng vì như vậy sẽ san sẻ bớt khó khăn với người lao động làm việc ở cụm công nghiệp và đội ngũ giáo viên".
Tuy nhiên, theo vị này, trước khi các ban ngành thêm đối tượng thì cần có những danh sách các công ty nằm trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp một cách cụ thể.
Thực tế hiện nay, khi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn thực hiện Nghị định 105 của Chính phủ và Nghị quyết số 27 của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn vướng mắc trong việc thẩm định hồ sơ do không có đầy đủ thông tin các công ty thuộc khu công nghiệp.
Nhiều công nhân làm đơn xin hưởng hỗ trợ cho con, có dấu đỏ xác nhận của công ty nhưng trong tờ biểu mẫu không có mục thông tin về khu công nghiệp hoặc công nhân cũng không nắm rõ cơ sở làm việc có thuộc khu công nghiệp hay không nên hồ sơ vẫn còn dang dở.
Do đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn mong muốn các ban ngành khác phối hợp với ngành giáo dục làm rõ các thông tin về công ty thuộc cụm công nghiệp hay khu công nghiệp để hỗ trợ đúng đối tượng.