Đặc trị các hành vi gây hại đến phòng chống dịch bệnh
Ngày 30-3-2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC gửi Chánh án Tòa án dân sự; Chánh án Tòa án quân sự các cấp và Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Văn bản hướng dẫn này xác định các tội danh khi áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến, đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh.
Hàng loạt hành vi sẽ bị xử lý
Cụ thể, người đã được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly, nếu thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”.
Các hành vi đó là trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19, nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa, nếu thực hiện một trong các hành vi gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh, thì bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người”, theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.
Các hành vi bị áp dụng Điều 295 gồm: trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; không tuân thủ quy định cách ly (từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly); không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Tội danh theo Điều 295 cũng được áp dụng đối với chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ massage, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh, khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên.
Cũng theo hướng dẫn của TAND Tối cao, người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin sai sự thật, thông tin liên tục về tình hình dịch Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông”, theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. Đối với người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, đời tư, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế; người tham gia phòng, chống dịch Covid-19; người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội “Làm nhục người khác”, quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Tương tự, Công văn số 45 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xác định, người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì bị xử lý về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Theo luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Công văn số 45 có nhiều nội dung, nhưng riêng mục 1 thì tập trung hướng dẫn cụ thể các hành vi không tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh Covid-19, dẫn tới bị xử lý hình sự về các tội danh khác nhau nếu hành vi đó đáp ứng đủ yếu tố cấu thành của từng tội danh.
Có thể thấy rằng trong bối cảnh hiện nay, Công văn số 45 của TAND Tối cao là vô cùng cần thiết. Với công văn này, những hành động, việc làm dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch đã được chi tiết, cụ thể hóa, để từ đó người dân hiểu biết bản thân được làm gì, không được làm gì và có ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc phòng chống dịch bệnh.
Trước khi có Công văn 45, chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp người mắc bệnh, người có khả năng mắc bệnh vô tư đi lại, tham gia các hoạt động cộng đồng khiến cho nhiều người khác tiếp xúc với họ cũng mắc bệnh theo hoặc nếu không mắc bệnh thì bị cách ly, gây thiệt hại về kinh tế và các thiệt hại khác không chỉ cho bản thân người đó mà còn cho cả Nhà nước và toàn xã hội.
Nếu những nguồn lây nhiễm này biết rằng họ có thể bị xử lý hình sự khi thiếu ý thức, chắc hẳn họ sẽ không dám “tung tăng” như vậy nữa. Tuy nhiên, để Công văn 45 được áp dụng triệt để thì cần phải có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ, quyết liệt và nhuần nhuyễn của các ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát.
Cùng quan điểm trên, Thẩm phán Trần Nam Hà - Phó Chánh tòa Hình sự (TAND TP Hà Nội) cũng cho rằng, văn bản hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao vừa ban hành là rất kịp thời trong bối cảnh phòng chống đại dịch hiện nay.
Nó vừa giải đáp được một số vướng mắc về chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lại vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị cấp thiết là đòi hỏi phải xử lý ngay một số hành vi mang tính hệ thống, phổ biến như trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là cơ quan điều tra cần phát huy tính chủ động, đi đầu trong công tác đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm liên quan đến công tác phòng chống, dịch bệnh Covid-19 hiện nay.