Đại án đăng kiểm: Manh mối truy ra sai phạm có hệ thống

Từ việc phát hiện 2 xe ô tô cơi nới thùng, Phòng cảnh sát Giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xác minh. Từ đây, sai phạm mang tính hệ thống được phát giác.

Sáng 18/7, TAND thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử đối với 254 bị can liên quan các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam tại tòa.

2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam tại tòa.

Vụ án có 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và 252 bị cáo liên quan, bị xét xử về các tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.

Trong đó, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 - 7/2021) bị xét xử về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị xét xử về tội Nhận hối lộ.

Phát hiện sai phạm có hệ thống từ 2 xe ô tô cơi nới thùng

Trước đó, trong các ngày 26 và 28/10/2022, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hồ Chí Minh (PC08) phát hiện 2 xe ô tô, gồm các xe mang biển kiểm soát số 50H-100.20 và số 51D-325.89 có dấu hiệu cơi nới thành thùng so với quy chuẩn nên tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra theo quy định.

Kết quả kiểm tra xác định số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với số đo kích thước trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ (viết tắt là Giấy chứng nhận kiểm định). Tuy nhiên, số đo này lại sai lệch so với số đo theo thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu của Cục đăng kiểm Việt Nam.

Để làm rõ, PC08 đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành xác minh, làm rõ.

Từ dấu hiệu tội phạm này, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hồ Chí Minh tiến hành điều tra, xác định hành vi phạm tội có tổ chức xuyên suốt từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước.

Sai phạm mang tính hệ thống

Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.

Trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, VAR có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.

Các đăng kiểm viên phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.

Các bị cáo "chủ chốt" tại tòa.

Các bị cáo "chủ chốt" tại tòa.

Từ tháng 3/2019, bị cáo Trần Anh Quân, cựu Quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới được các đăng kiểm viên báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Sau đó, Quân và các đăng kiểm viên thống nhất hàng tháng sẽ chia số tiền hối lộ nhận được theo tỷ lệ: Trần Anh Quân nhận 700.000 đồng/hồ sơ (bao gồm phần của Quân được hưởng, phần của Quân ngoại giao tiếp khách và phần để Quân chia cho Lãnh đạo Cục là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà); các Phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ; số còn lại đăng kiểm viên được hưởng.

Theo quy định đó, hàng tháng sau khi nhận được tiền hối lộ của các Công ty thiết kế, các đăng kiểm viên sẽ tính toán, kiểm đếm số lượng hồ sơ được phân công thẩm định nhân với số tiền đã quy ước/hồ sơ rồi phân chia và trực tiếp đưa tiền cho Quân và những người khác theo quy định.

Khi nhận được tiền từ các đăng kiểm viên, Quân trực tiếp đưa cho Trần Kỳ Hình (Cục trưởng) 60 triệu đồng/tháng và Đặng Việt Hà (Phó Cục trưởng Phụ trách Phòng VAR) số tiền 20 triệu đồng/tháng; một phần Quân sử dụng để ngoại giao, tiếp khách; phần còn lại Quân hưởng lợi.

Từ tháng 8/2021, Trần Kỳ Hình nghỉ hưu và Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng. Trong cuộc họp với lãnh đạo Phòng VAR (có mặt Trần Anh Quân, Đặng Trần Khanh và Trịnh Bình Dương), Đặng Việt Hà đã yêu cầu phòng VAR hàng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, với mục đích phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.

Quân và những người tham gia trong cuộc họp đều hiểu rằng khi nhận tiền trong quá trình thẩm định thiết kế thì phải chia cho Hà tỷ lệ cao nhất.

Sau cuộc họp trên, Trần Anh Quân gặp và hội ý với Nguyễn Đức Toàn, Đặng Trần Khanh, Trịnh Bình Dương về yêu cầu của Đặng Việt Hà và thống nhất mảng thẩm định thiết kế do Quân phụ trách nên Quân đã triệu tập tất cả các đăng kiểm viên để bàn bạc, và cùng thống nhất cách thức chia tiền theo tỷ lệ như sau: Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ, Trần Anh Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các Phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ, đưa vào quỹ ngoại giao 140.000 đồng hồ sơ, cho các nhân viên văn phòng mỗi người 40.000 đồng/hồ sơ, số tiền còn lại đăng kiểm viên được hưởng. Tất cả các đăng kiểm viên đều thống nhất chủ trương, quy ước chia tiền nêu trên.

Theo chủ trương trên, hàng tháng (từ ngày 1 đến ngày 10) các đăng kiểm viên tổng kết lại số hồ sơ do mình thẩm định thiết kế, số tiền đã nhận được thì tự chia tiền theo quy ước chung, rồi gặp và đưa tiền mặt cho Trần Anh Quân, cho 3 Phó phòng và cho 4 nhân viên văn phòng. Riêng tiền quỹ, các đăng kiểm viên thống nhất đưa Nguyễn Tuấn Châu và Vũ Hồng Quang giữ để sử dụng ngoại giao, tiếp khách.

Sau khi nhận được tiền, Trần Anh Quân tiếp tục kiểm tra số hồ sơ Phòng VAR đã thẩm định đạt trong tháng nhân với số tiền 400.000 đồng/hồ sơ, bỏ tiền vào phong bì (trên phong bì Quân có ghi số hồ sơ đã thẩm định và số tiền) và đưa cho Đặng Việt Hà tại phòng làm việc của Hà.

Đến tháng 10/2022, do cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các Đơn vị đăng kiểm nên các đối tượng trên không nhận tiền hối lộ trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế nữa.

Quá trình cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, bị cáo Đặng Việt Hà sợ liên lụy nên trả lại 5 tỷ đồng đã nhận trước đó cho Trần Anh Quân. Sau đó, Hà lấy lại số tiền này đưa cho Lại Thái Phong (nguyên Phó Chánh văn phòng Cục đăng kiểm Việt Nam) và Nguyễn Văn Chung để "nghe ngóng thông tin từ cơ quan điều tra".

Cáo trạng xác định, bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng; trong đó có 31 tỷ đồng nhận của phòng kiểm định xe cơ giới và hơn 9 tỷ đồng từ các trung tâm đăng kiểm và các giám đốc trung tâm đăng kiểm khác.

Bị cáo Trần Kỳ Hình ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền đã nhận từ phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm, còn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD là tiền nhận hối lộ từ 63 cơ sở đóng tàu để bỏ qua các sai phạm trong quá trình kiểm định, duyệt cấp đủ năng lực hoạt động.

Võ Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dai-an-dang-kiem-manh-moi-truy-ra-sai-pham-co-he-thong-204240718113422508.htm