Đại án đăng kiểm: Ngày mai xét hỏi hai cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà
Đến chiều nay, đại diện VKS đã công bố gần xong cáo trạng; ngày mai HĐXX sẽ xét hỏi 28 bị cáo thuộc nhóm lãnh đạo trong đại án đăng kiểm.
Chiều 22-7, đại diện VKSND TP.HCM đã công bố được 186/341 trang cáo trạng về hành vi phạm tội của 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
HĐXX thông báo, ngày mai (23-7) sau khi đại diện VKS công bố xong phần còn lại của cáo trạng, HĐXX sẽ xét hỏi nhóm 28 bị cáo là lãnh đạo Cục đăng kiểm, lãnh đạo Phòng kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) và các bị cáo là đăng kiểm viên có liên quan.
HĐXX đã có lệnh trích xuất gửi trại giam đối với 16 bị cáo đang bị tạm giam và lưu ý 12 bị cáo đang tại ngoại cùng luật sư phải có mặt trong phòng xét xử lớn để làm việc vào ngày mai. Ngoài ra, đến nay còn 18 luật sư chưa nhận thẻ tham dự phiên tòa. Trường hợp luật sư nhận trễ hoặc không nhận, HĐXX xem như luật sư không tham gia bào chữa.
Trung tâm đăng kiểm với áp lực chung chi cho lãnh đạo Cục
Theo cáo trạng, đại án đăng kiểm là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, mang tính hệ thống và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Như các Trung tâm đăng kiểm Khối V thuộc Cục đăng kiểm, Trung tâm 50-07V do Ngô Ngọc Sơn làm giám đốc, thời gian đầu, nhằm chấn chỉnh không để xảy ra tiêu cực, sai phạm, Sơn đã không cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền của chủ phương tiện khi kiểm định.
Đến tháng 8-2018, để thực hiện chủ trương của cựu cục trưởng Đặng Việt Hà rằng phải chung tiền cho Hà dựa tổng số phương tiện đến trung tâm đăng kiểm. Sơn đã cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ từ chủ phương tiện hoặc cò môi giới để bỏ qua lỗi, kiểm định đạt.
Mỗi chuyến hàng tháng phải đưa cho Sơn 10-15 triệu đồng để đưa hối lộ cho lãnh đạo Cục và chi tiếp khách. Chủ trương trên đã được những người làm việc tại trung tâm thống nhất, thực hiện. Chủ phương tiện sẽ đưa tiền hối lộ trực tiếp cho trưởng chuyền hoặc đăng kiểm viên với giá tiền 200.000-500.000 đồng tùy loại xe để được bỏ qua lỗi.
Trưởng chuyền sẽ trích bỏ vào quỹ 40 triệu đồng/tháng gồm tiền đưa cho Sơn theo chủ trương và tiền sinh hoạt của đăng kiểm viên. Số tiền còn lại, trưởng chuyền sẽ chia thành từng phần, mỗi đăng kiểm viên một phần và ban giám đốc hai phần.
Kết quả điều tra xác định tổng số tiền đăng kiểm viên Trung tâm 50-07V đã nhận hối lộ là hơn 13,2 tỉ đồng. Ngô Ngọc Sơn đã trực tiếp đưa cho cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình số tiền 680 triệu đồng, đưa cho Đặng Việt Hà 357 triệu đồng.
Ngô Ngọc Sơn đã bàn bạc, thống nhất cùng hai Phó giám đốc là bị cáo Trần Hữu Thông và Nguyễn Hồng Quang về trương nhận tiền bỏ qua lỗi khi kiểm định. Do đó, 3 bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 13,2 tỉ đồng. Sơn hưởng lợi bất chính 800 triệu đồng; Thông hưởng lợi 695 triệu đồng và Quang hưởng lợi 720 triệu đồng.
Các đăng kiểm viên đã cùng thống nhất với ban giám đốc thực hiện chủ trương, trực tiếp nhận tiền hối lộ nên phải chịu trách nhiệm với tất cả số tiền hối lộ trong chuyền của mình trong thời gian làm việc, quản lý. Các bị cáo này phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ đối với số tiền nhận hối lộ 2,9 - 4,8 tỉ đồng và hưởng lợi từ 174 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng.
Xét xử vắng mặt cựu trưởng phòng Tàu sông
Trong số 254 bị cáo, bị cáo Đỗ Trung Học (cựu Trưởng Phòng Tàu sông trực thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam) hiện đang trốn truy nã và được đưa ra xét xử vắng mặt.
Theo cáo trạng, Phòng Tàu sông có chức năng quản lý nhà nước về phương tiện thủy nội địa. Để được cấp thông báo năng lực, chủ các cơ sở đóng tàu tại Long An đã liên hệ bị cáo Phạm Hoài Hà (cựu giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An) và được Hà giới thiệu bị cáo Nguyễn Xuân Hào (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An) để lập hồ sơ của 38 cơ sở đóng tàu.
Hào đã nhận của chủ các cơ sở đóng tàu 30-150 triệu đồng/xưởng trọn gói đến khi được cấp thông báo năng lực. Hào đã gửi các hồ sơ này ra Cục đăng kiểm để đánh giá.
Bị cáo Lê Ngọc Tú (cựu phó trưởng Phòng Tàu sông) là người đánh giá các hồ sơ tại Long An, còn Học là người soát xét hồ sơ. Học đã cung cấp số tài khoản và yêu cầu Hà chuyển tiền để duyệt hồ sơ. Sau đó, Hà yêu cầu Hào chuyển tiền vào tài khoản Nguyễn Thành Lê và Đỗ Trung Học.
Hào đã chuyển vào tài khoản của bị cáo Nguyễn Thành Lê và Đỗ Trung Học là 4,1 tỉ đồng, trong đó có hơn 2,8 tỉ đồng để cấp thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu tại Long An, còn lại hơn 1,3 tỉ đồng đồng Hà nhờ Hào chuyển tiền cho Học làm hồ sơ thiết kế.
Kết quả kiểm tra hồ sơ, xác minh xưởng xác định, các hồ sơ đánh giá các cơ sở tại Long An không đủ điều kiện để cấp thông báo năng lực theo quy định nhưng Tú và Học vẫn đề xuất Trần Kỳ Hình kí cấp Thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu này hoạt động trái pháp luật.
Trước khi khởi tố bị can, Đỗ Trung Học đã xuất cảnh ra nước ngoài. Cơ quan CQĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã đối với Học.
Quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan tố tụng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định; trường hợp không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt theo Điều 290 BLTTHS. Bị cáo Đỗ Trung Học bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử vắng mặt về tội nhận hối lộ với số tiền hơn 2,8 tỉ đồng.